Như vậy, trong vòng 24 giờ tính đến ngày 23-2, Iran đã có thêm ba ca tử vong trong số 15 ca nhiễm mới. Các ca nhiễm mới được ghi nhận tại Tehran, Qom, Gilan, Markazi và Tonekabon, Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Y tế Iran Kianoush Jahanpour.
Iran đã phải áp dụng các biện pháp mạnh như đóng cửa trường học, trung tâm văn hóa tại 14 tỉnh khắp cả nước. Các sự kiện phim ảnh và nghệ thuật trên toàn quốc cũng bị hủy.
Trong thời gian đó, nhu cầu mua khẩu trang tại Iran tăng vọt khiến giá sản phẩm này cũng tăng chóng mặt. Nhà bán lẻ trực tuyến Digikala của Iran hôm 21-2 cho biết họ bán được 75.000 khẩu trang trong vòng 36 giờ.
"Điều đáng lo ngại là chúng ta đang thấy sự gia tăng rất nhanh ở Iran chỉ trong một vài ngày" - giám đốc bộ phận các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh của WHO, bà Sylvie Briand, nhìn nhận.
WHO cũng lo ngại trước tình hình lây nhiễm từ Iran sang các nước láng giềng. Hôm 21-2 Lebanon ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là một phụ nữ trở về từ thành phố Qom của Iran. Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) ghi nhận thêm hai trường hợp du khách người Iran nhiễm hôm 22-2.
Thậm chí Canada cũng phát hiện những người nhiễm bệnh từng đến Iran.
Nhiều nước sát cạnh Iran như Iraq và Pakistan đã nhanh chóng đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan dịch từ nước láng giềng. Saudi Arabia yêu cầu những người từng đến Iran phải chờ ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh vào nước này.
Hãng hàng không Kuwait Airways mới đây cũng ngưng các chuyến bay đến Iran.
Đến nay, Iran vẫn chưa xác nhận được nguồn lây bệnh ban đầu xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, một số quan chức đoán rằng virus có thể lây lan từ các lao động người Trung Quốc ở Iran.
"Dịch virus corona đã bắt đầu ở đất nước chúng ta. Do những người bị nhiễm ở Qom không tiếp xúc với người Trung Quốc… Nguồn bệnh có thể là từ những lao động Trung Quốc làm việc ở Qom và đã đi đến Trung Quốc" - hãng tin IRNA dẫn lời bà Minoo Mohraz, một quan chức của Bộ Y tế Iran, nhận định.
Tuy nhiên, bà không đưa ra bằng chứng nào.