Anh Khôi Nguyên kể, anh và cậu con lớn bị sốt, có dấu hiệu bị sốt xuất huyết nên đã đến một phòng khám tư để làm xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm máu, bác sĩ kết luận cả hai cha con đều bị sốt xuất huyết. Bác sĩ cho thuốc hạ sốt về nhà uống. Cậu con đỡ nhưng anh Nguyên lại bị sốt cao, bệnh có dấu hiệu nặng thêm.
Để yên tâm, anh Nguyên vào cấp cứu tại một bệnh viện lớn ở quận Gò Vấp. Tại đây, bác sĩ tiếp tục cho xét nghiệm máu và kết luận bị sốt Dengue (sốt xuất huyết) 5 ngày kèm theo rối loạn tiêu hóa.
Vị nữ bác sĩ hỏi han qua loa và kê đơn thuốc cho anh Nguyên gồm bốn loại thuốc, kèm lời dặn: "Ra ngay nhà thuốc của bệnh viện mua mới có đủ thuốc nha".
Anh Nguyên cầm đơn thuốc ra nhà thuốc nằm ngay trong khuôn viên bệnh viện theo lời dặn của bác sĩ. Tại đây, các dược sĩ nói đơn thuốc hết hơn 2 triệu đồng cho bốn loại.
Anh Nguyên ngỡ ngàng hỏi lại thì các dược sĩ trả lời: Bán theo đơn của bác sĩ, không thừa, thiếu loại nào. Anh Nguyên đành bấm bụng trả hơn 2 triệu đồng cho toa thuốc trên.
Nghi ngờ toa thuốc có gì bất thường bởi anh Nguyên đặt câu hỏi: Vì sao sốt xuất huyết mà bác sĩ không cho cả thuốc giảm sốt, không có dung dịch bù nước và điện giải thông thường? Anh Nguyên đành tra thông tin thuốc trên Google để kiểm tra.
"Tôi kiểm tra các thông tin của bốn loại thuốc được bác sĩ kê toa cho như trên mới tá hỏa, không dám uống vì nó hoàn toàn không dùng trong điều trị cho bệnh sốt xuất huyết.
Thậm chí trong đơn thuốc còn có những loại thực phẩm chức năng rất đắt tiền. Và tôi đã phải mất hơn 2 triệu đồng cho cái đơn thuốc "chết tiệt" ấy mà không sử dụng được. Bác sĩ gì mà ác dữ vậy?!", anh Nguyên bức xúc bày tỏ.
Cầm đơn thuốc của anh Khôi Nguyên, chúng tôi nhờ một bác sĩ có chuyên môn trong ngành xem lại. Xem xong, vị bác sĩ cười: Toa thuốc này hoàn toàn chẳng liên quan gì với chẩn đoán trên, không hề ổn cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết.
Cụ thể, đơn thuốc mà vị nữ bác sĩ kê cho anh Nguyên mắc bệnh sốt xuất huyết gồm bốn loại:
Baciamin Plus (NT) 1 tỉ CFU với 20 ống, uống trong 10 ngày.
Esaphe (NT) 40mg, 10 viên, uống trong 10 ngày.
QA Alipro (NT), 60 viên, uống 30 ngày.
Prohepatis (NT), 60 viên, uống trong 30 ngày.
Nếu theo như toa thuốc được kê thì loại ở mục số 1 chỉ là men vi sinh. Mục 2 là thuốc viêm dạ dày. Thứ 3 là thực phẩm chức năng và thứ 4 là hạ men gan.
"Với bốn loại "thuốc" được kê toa trên chẳng ăn nhập gì với bệnh sốt xuất huyết cả. Tôi không biết việc kê toa này của bác sĩ với mục đích gì? Tuy nhiên có một nguyên tắc là tất cả bệnh nhân khám chữa bệnh theo dạng bảo hiểm y tế thì theo quy định hiện nay, nghiêm cấm bác sĩ kê toa có thực phẩm chức năng", vị bác sĩ nêu ý kiến.
Không những anh Khôi Nguyên gặp trường hợp bị kê toa thuốc chẳng liên quan đến bệnh tình như trên mà nhiều bạn đọc phản ảnh cũng từng bị bác sĩ kê toa thuốc kèm theo nhiều loại thực phẩm chức năng.
Với người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, gặp những toa thuốc dạng trên sẽ trở thành một gánh nặng cho bà con. Bởi đã nghèo còn gặp cái eo, phải chi những khoản tiền không mong muốn khi đi khám chữa bệnh.