Sáng 1-2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cho hay vừa phẫu thuật cứu bà N.T.T (56 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai).
Bà T. đến khám trong tình trạng sốt, khó thở kéo dài không dứt. Qua chỉ định siêu âm tim, các bác sĩ phát hiện bà bị nhiễm trùng van tim và thay van làm bằng vật liệu tự thân.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Hoàng Định - Phó Giám đốc Trung tâm tim mạch, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược, bà T. bị nhiễm trùng tim do nhổ răng. Ổ vi trùng trú ngụ lâu ngày trong răng của người bệnh phát tán, nhiễm vào máu và di chuyển khắp cơ thể.
Khi đến tim, những vi trùng này bám lại, gây nên ổ nhiễm trùng ở van tim và đã phát triển thành những mảng sùi ở van tim, gây hở van động mạch chủ, hở van hai lá và van ba lá. "Nếu không được phẫu thuật ngay, những mảng sùi này có thể rơi ra và theo mạch máu lên não gây tắc mạch máu não, khiến người bệnh có nguy cơ đột quỵ" - BS Định nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Định, việc phẫu thuật thay van tim cho bà T. cũng bằng một kỹ thuật mới là dùng màng ngoài tim tái tạo thành van tim (kỹ thuật Ozaki) thay vì sử dụng van nhân tạo như lâu nay. Kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân hiện đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Phương pháp này giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng tái phát trên van nhân tạo – một biến chứng rất nguy hiểm. Đặc biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ mong muốn mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh muốn không bị phụ thuộc vào thuốc kháng đông sau phẫu thuật và không muốn phải chịu đựng phẫu thuật nhiều lần.