Hiện nay nước ta có khoảng 12 triệu người mắc phải bệnh huyết áp cao, cứ trung bình 5 người trưởng thành thì có 1 người mắc bệnh. Năm 2016, tỷ lệ này ở mức báo động đỏ với hơn 40% người lớn bị tăng huyết áp. Nếu không sớm nhận biết, tỷ lệ này còn tăng cao hơn nữa.
Huyết áp cao là gì?
Huyết áp cao là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao, tăng gánh nặng cho tim và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim...
Huyết áp cao bao gồm một số loại như:
+ Huyết áp cao vô căn: không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% các trường hợp.
+ Huyết áp cao thứ phát: Liên quan đến một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
+ Huyết áp cao tâm thu đơn độc: Có nghĩa là chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường.
+ Tăng huyết áp khi mang thai: Đây là cảnh báo nguy hiểm, một số nguy cơ tim mạch trong giai đoạn mang thai.
Nguyên nhân huyết áp cao
Theo các bác sĩ chuyên khoa, hầu hết các trường hợp tăng huyết áp đều không rõ nguyên nhân và được gọi là tăng huyết áp vô căn. Thông thường, loại này do di truyền, phổ biến hơn ở nam giới. Huyết áp thứ phát là hậu quả của một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận... hay là tác dụng gây ra bởi thuốc tránh thai, thuốc cảm, rượu bia, thuốc lá. Loại này chiếm khoảng 5-10% trên tổng số ca bệnh cao huyết áp. Đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi, mắc cao huyết áp thứ phát thì nguyên nhân thường là do bệnh khác gây ra, điển hình như bệnh thận.
Triệu chứng huyết áp cao
Trên thực tế, hầu hết các bệnh nhân huyết áp cao đều không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng rõ ràng nào cho đến khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn rất nghiêm trọng. Lúc này, các biến chứng tim mạch có thể đột ngột xuất hiện và cướp đi tính mạng bệnh nhân. Chỉ có một số rất ít bệnh nhân có biểu hiện thoáng qua như đau đầu, khó thở, hoặc hiếm hơn là chảy máu cam. Vì không có triệu chứng rõ ràng vì thế bệnh chỉ phát hiện được khi người bệnh đến khám định kỳ hoặc khám một bệnh khác.
Huyết áp cao là bao nhiêu?
Huyết áp được xác định dựa trên 2 chỉ số:
+ Huyết áp tâm thu sẽ ứng với giai đoạn tim co bóp tống máu đi: Có giá trị cao hơn do dòng máu trong động mạch lúc này đang được tim đẩy đi.
+ Huyết áp tâm trương sẽ ứng với giai đoạn giãn nghỉ giữa hai lần đập liên tiếp của tim: Có giá trị thấp hơn do mạch máu lúc này không phải chịu áp lực tống máu từ tim.
Theo hướng dẫn mới cập nhật của ESC năm 2018, tùy vào mức độ nghiêm trọng, cao huyết áp được phân loại như sau:
Huyết áp tối ưu: dưới 120/80 mmHg.
Huyết áp bình thường: từ 120/80 mmHg trở lên.
Huyết áp bình thường cao: từ 130/85 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp độ 1: từ 140/90 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp độ 2: từ 160/100 mmHg trở lên.
Tăng huyết áp độ 3: từ 180/110 mmHg trở lên.
Cao huyết áp tâm thu đơn độc: Khi huyết áp tâm thu từ 140 mmHg trở lên, trong khi huyết áp tâm trương dưới 90 mmHg.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Nhưng khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.
Chính vì vậy, chỉ có một cách nhận biết huyết áp cao duy nhất đó là phải đi khám, để được bác sĩ đo. Như vậy, mới biết được huyết áp của bạn có nằm trong tình trạng báo động hay không.
Cách điều trị huyết áp cao
Thông thường, mục tiêu điều trị huyết áp cao là giữ cho huyết áp của bệnh nhân ở mức ổn định, thường là dưới 140/90 mmHg. Tuy nhiên, các mức huyết áp mục tiêu có thể khác nhau theo từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Các biện pháp chữa trị huyết áp cao thường được áp dụng như:
Thay đổi lối sống
Bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát huyết áp bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và dùng ít muối (dưới 6g/ngày). Bên cạnh đó cần tập thể dục đều đặn, vừa sức để duy trì cân nặng lý tưởng. Đồng thời, ngừng mà tốt nhất là không nên uống rượu, hút thuốc. Song song với đó là sử dụng thuốc điều trị cao huyết áp đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, để kiểm soát bệnh một cách tốt nhất.
Bệnh nhân cũng cần thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra để bác sĩ tư vấn cũng như giúp điều chỉnh chế độ sinh hoạt, lối sống cho phù hợp.
Thuốc điều trị cao huyết áp
Bên cạnh việc thay đổi lối sống, bác sĩ sẽ cân nhắc cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo toa, để huyết áp sớm ổn định nhất. Trong suốt quá trình diễn tiến của bệnh, bác sĩ sẽ theo dõi, có thể thay đổi, tăng giảm liều hay phối hợp thêm thuốc cho đến khi xác định được phác đồ điều trị phù hợp nhất đối với bệnh nhân.
Người bệnh cần lưu ý về tình hình sức khỏe trước và sau khi dùng thuốc để thông báo cho bác sĩ về các tác dụng không mong muốn trong khi dùng thuốc theo phác đồ. Một điều nữa người bệnh cần biết đó là điều trị tăng huyết áp là điều trị cả đời. Do đó, không được tự ý ngừng điều trị, cần phải nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Điều trị cao huyết áp trong trường hợp khẩn cấp
Trong một số trường hợp khẩn cấp, bệnh huyết áp cao cần phải được điều trị ngay tại phòng cấp cứu hoặc phòng chăm sóc đặc biệt, để giảm thiểu nguy cơ tử vong. Bệnh nhân có thể được thở oxy và dùng thuốc hạ huyết áp khẩn cấp để nhanh chóng cải thiện tình hình.
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp kèm theo các bệnh liên quan như đái tháo đường hoặc bệnh thận mãn tính, thì bác sĩ sẽ đề ra phác đồ điều trị riêng và đề nghị một liệu trình điều trị nghiêm ngặt hơn để giữ cho huyết áp ổn định ở mức dưới 130/80 mmHg.