Với đời sống đang mỗi ngày mở cửa hội nhập và đón nhận sự giao thoa giữa các nền văn hóa, ít nhiều những phong tục tập quán của người Việt đang dần mai một. Tuy nhiên, mâm cỗ cúng Giao Thừa vẫn là một nét đẹp truyền thống được lưu giữ cho đến ngày nay.
Mâm cỗ cúng Giao Thừa có ý nghĩa đặc biệt để cầu mong một năm mới đầy may mắn, sung túc. Lễ cúng Giao Thừa có thể ở trong nhà hoặc ngoài trời, tùy theo gia chủ.
Mâm cúng Giao Thừa ngoài trời thường có thủ lợn hoặc gà luộc, bánh chưng, mứt kẹo, hoa quả, nước hoặc rượu và vàng mã. Mâm cúng Giao Thừa trong nhà sẽ gồm hương, hoa, đèn nến, kẹo bánh và cỗ mặn có gà luộc, bánh chưng, xôi, giò chả, rượu bia, nước ngọt kèm theo các món ăn khác tùy từng nhà.
Gà cúng trong mâm cúng Giao Thừa
Gà trống luộc là vật lễ cúng không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Giao Thừa. Theo quan niệm dân gian, gà trống được chọn để dâng cúng thần linh vì đây là con vật báo hiệu điều lành, dữ, đoán định tương lai…
Bên cạnh đó, chọn gà trống cúng còn bởi ý nghĩa con gà sẽ cất cao tiếng gáy để đánh thức mặt trời nhằm mang đến sức khỏe, tiền tài, may mắn trong năm mới.
Trong mâm cúng Giao Thừa, gà cúng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn. Do đó, chúng ta cần biết cách luộc gà ngon không bị nứt để có một con gà cúng “đúng chuẩn” và có một mâm cúng trọn vẹn.
Cách luộc gà cúng giao thừa đón năm mới Kỷ Hợi 2019
Quy trình luộc gà ngon để cúng Giao Thừa sẽ bao gồm 4 bước: chọn gà, làm gà, luộc gà và bày gà ra đĩa.
- Cách chọn gà cúng
Khi chọn gà cúng đêm Giao Thừa, để bày tỏ lòng thành kính và sự tôn kính, gia chủ nên chọn gà trống hoa hoặc gà ta tơ lông mượt, mào đẹp và nhất là chưa đạp mái.
Để lời khấn cầu linh nghiệm, nên chọn gà khỏe mạnh, không có khuyết tật,có mào đơn thẳng đứng màu đỏ tươi, chân vàng, lông mượt, ức đầy, phía dưới ức thấy xương mềm, da ấm, mềm, mỏng.
Nên tránh chọn những con gà có ốm yếu, có dấu hiệu bệnh như mào tím tái, chân lạnh, dáng vẻ lờ đờ, ủ rũ, chảy nước dãi, hậu môn to, phân trắng loãng…
- Cách luộc gà
Chuẩn bị: Gà; gừng, hành, mỡ gà, nghệ
Sau khi làm gà xong cần rửa sạch tiết để phần nước luộc sẽ không bị đục. Sau đó là đến bước luộc gà. Gà luộc để cúng Giao Thừa cần phải đảm bảo thật ngon mắt, chắc thịt, đặc biệt là da không bị nứt toác ra.
- Cách buộc gà cúng giao thừa
Có thể chọn với một số kiểu buộc gà cúng như buộc kiểu gà chầu, buộc kiểu gà bay, buộc cánh tiên, …
- Cứa khớp để quặp 2 chân gà vào phía sau bụng, hai cánh co tự nhiên
- Buộc dây để cố định 2 cánh gà lại với nhau và xếp cho phần cổ gà cong, đẹp mắt rồi buộc vào luôn.
- Chuẩn bị một nồi to vừa phải, để vừa gà. Không nên chọn nồi quá nhỏ vì sẽ làm mất dáng gà, cũng không nên chọn nồi quá to vì luộc gà sẽ lâu chín.
- Cho gà vào trong nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà. Đặt con gà nằm nghiêng trong nồi nước lạnh, đầu ngửa ra phía lưng, bắc lên bếp.
- Cho luôn phần lòng gà vào để luộc chung.
- Đun lửa tới lúc sôi lăn tăn (không sôi sùng sục), mở nắp nồi, hớt bỏ bọt, vặn nhỏ lửa và để sôi nhỏ, cứ để thế khoảng 7-8 phút.
- Khi luộc cần lật đều hai bên để gà không bị vẹo.
- Nướng 1 củ gừng, một củ hành, đập dập rồi cho vào nồi nước rồi luộc tiếp khoảng 5 phút. Cho phần tiết vào luộc chung.
- Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nồi thêm 5 phút thì vớt ra. (Có thể kiểm tra thử gà đã chín chưa bằng cách dùng đầu đũa chọc vào gà. Nếu đầu đũa đâm xuyên và không có nước ứa ra màu đỏ thì có nghĩa là gà đã chín.
- Để thịt gà săn chắc, da gà mọng, khi vớt ra thả ngay vào một nồi nước thật lạnh và đợi cho đến khi gà nguội hẳn rồi mới vớt ra để ráo. Với cách này da gà sẽ không bị khô và xỉn màu.
- Nên lưu ý tùy chỉnh thời gian luộc gà phù hợp theo kích thước của gà.
- Khi thấy gà đã ráo nước thì quét một lớp nước củ nghệ trộn mỡ gà đã rán vàng. Với cách này, đảm bảo gà luộc căng mượt, thật bóng bẩy và nhìn hấp dẫn hơn.
- Tiếp theo, tháo bỏ dây buộc gà và đem bày ra đĩa. Phần tiết, lòng gà nhét lại vào bụng gà và mỏ gà cài bông hoa hồng đỏ rực (hoặc hoa tỉa từ củ hành lá xanh)
Hy vọng với cách luộc gà cúng giao thừa đón năm mới Kỷ Hợi 2019 vừa chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn đọc có được con gà cúng “đúng chuẩn” .