"Sự cởi mở và nhân văn sẽ giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn"
PV: Chào chị! Được biết, chị đã có khoảng thời gian dài làm việc với những người hành nghề mại dâm trong và ngoài nước. Chị có thể cho biết trong quá trình gặp gỡ, tiếp xúc với những người hành nghề mại dâm, ấn tượng để lại sâu sắc với chị là gì?
ThS. Mai Thị Việt Thắng: Tôi có cơ hội được làm việc với những người phụ nữ hành nghề liên tục trong vòng 4 năm tại Việt Nam. Trước đó, tôi có cơ hội được tiếp xúc với những người có "nguy cơ" hành nghề ở nước ngoài. Cảm nhận đầu tiên của tôi là ngưỡng mộ sức sống mãnh liệt của họ. Tôi tự đặt ra câu hỏi cho mình: Nếu mình bắt đầu cuộc sống bởi những khó khăn, những sự kiện không may mắn trong cuộc đời đi kèm sự thiếu công nhận, hỗ trợ cần thiết thì liệu mình có thể sống như họ đang sống không?
Tôi được những phụ nữ này chia sẻ thực tế về công việc. Mại dâm cũng là công việc nghiêm túc và phần nào giải quyết được nhu cầu bức thiết của một lượng khách hàng: Muốn quan hệ tình dục nhưng không có điều kiện để tìm một bạn tình, không đủ khả năng để thiết lập những quan hệ đòi hỏi cam kết, nhu cầu tình dục quá lớn nhưng đối tác không thể đáp ứng....
Từ cuộc sống nhiều khó khăn của người phụ nữ hành nghề, tôi nghĩ đến nhu cầu và mục đích sống của những nhóm người tạm thời đang bị coi là "bên lề". Về những hỗ trợ xã hội cần thiết để giúp họ có thể có cuộc sống tốt hơn nhưng không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Tôi tin là sự cởi mở và nhân văn sẽ giúp cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tôi tin là sự cởi mở và nhân văn sẽ giúp cho họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“PV: Vậy theo chị việc công nhận mại dâm là một nghề hợp pháp ở Việt Nam có trái với thuần phong mỹ tục?
ThS. Mai Thị Việt Thắng: Thứ nhất, thuần phong mỹ tục, hay những cụm từ tương tự như chuẩn mực xã hội, truyền thống văn hóa… có lẽ mục đích đầu tiên và duy nhất là giúp cho con người ta sống tốt đẹp, hài hòa, nhân văn và ổn định hơn.
Thứ hai, thuần phong mỹ tục theo từ điển là lối sống theo một tập quán tốt đẹp. Thực ra là một cụm từ mang ý nghĩa quá rộng. Nó cần được cụ thể hóa trong từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể.
Ví dụ như cái gì là thuần phong mỹ tục, cái gì không phải là thuần phong mỹ tục, nhóm người nào đặt ra những “thuần phong mỹ tục” và đặt ra nó để làm gì. Tránh tối đa việc chúng ta hiểu nghĩa của nó quá chung chung và được một nhóm người nhất định nào đó sử dụng để bao biện hay quy kết một hiện tượng nào đó xảy ra không đúng với mong đợi hoặc có khả năng vượt khỏi tầm kiểm soát của mình.
Thứ ba, cuộc sống luôn có sự vận động, thay đổi hướng đến điều mới mẻ, tốt đẹp hơn. Cái gì chưa thực sự hợp lý thì con người với tư cách là chủ thể có ý thức của xã hội phải đủ cởi mở để thay đổi. Lối sống của chúng ta cũng vậy, chúng ta không nên gắn quá chặt vào lối sống cũ có từ xa xưa mà đôi khi không còn phù hợp, thậm chí cản trở sự phát triển.
Vì vậy, nếu chúng ta không có khả năng để gặp và hỏi những người đã đặt ra những “thuần phong mỹ tục” từ xưa để hỏi: Việc công nhận mại dâm là một nghề có trái với thuần phong mỹ tục thì điều chúng ta có thể làm là tự nhìn nhận những vấn đề một cách công tâm, khách quan và đưa ra những giải pháp có ích cho cuộc sống của nhóm người liên quan này.
"Những người làm nghề mại dâm đều phải bỏ công sức làm việc..."
PV: Giả sử dự thảo Luật mại dâm được thông qua ở thời điểm hiện tại, nghề mại dâm được coi là hợp pháp thì có ảnh hưởng thế nào đến toàn xã hội nói chung và cả những người đang làm nghề mại dâm nói riêng?
ThS. Mai Thị Việt Thắng: Với những người làm nghề, theo những gì tôi đã đọc được từ kinh nghiệm các nước khác và những trải nghiệm khi được làm việc với nhóm phụ nữ hành nghề tại Việt Nam, tôi thấy những người làm nghề mại dâm đều phải bỏ công sức làm việc và có những nhu cầu như tất cả mọi người.
Họ cũng có nhu cầu được ăn uống, nghỉ ngơi, an toàn thân thể, có gia đình, có nhóm - hội, được công nhận, được tôn trọng…. Vì vậy, việc công nhận tính hợp pháp công việc của người làm nghề mại dâm là một điểm quan trọng giúp họ thỏa mãn những nhu cầu cơ bản của con người. Họ sẽ có những sự hỗ trợ cần thiết khi thực hiện công việc của mình như: Khám sức khỏe, làm việc tại những địa điểm được quy định, an toàn, tìm những dịch vụ hỗ trợ xã hội khi cần thiết…. Điều này cũng tránh đẩy họ rơi vào “vùng tối” nơi thiếu sự kiểm soát, dễ bị lạm dụng hoặc bóc lột.
Những phụ nữ lao động tình dục cũng là những người mẹ. Khi những người mẹ là người nữ lao động tình dục có điều kiện tốt để chăm sóc, dạy dỗ cho những đứa con của mình thì sẽ giúp cho những đứa trẻ đó có điều kiện phát triển. Kết quả là xã hội không phải đau đầu để giải quyết những khó khăn của lớp trẻ sau này.
Việc ảnh hưởng đến toàn xã hội nói chung như thế nào rất khó để nói, vì xã hội của chúng ta có nhiều nhóm người với những quan điểm, giá trị và lợi ích khác nhau. Có lẽ cần thêm những thông tin nghiên cứu, đánh giá một cách tổng thể. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, tôi được chia sẻ vắn tắt về một kết quả nghiên cứu có nên coi mại dâm là một nghề thì nghiên cứu cho thấy 60% số người được hỏi trả lời đồng ý.
Những phụ nữ lao động tình dục cũng là những người mẹ. Khi những người mẹ là người nữ lao động tình dục có điều kiện tốt để chăm sóc, dạy dỗ cho những đứa con của mình thì sẽ giúp cho những đứa trẻ đó có điều kiện phát triển.
“"Chúng ta đã tiến những bước xa trên con đường đi đến việc công nhận mại dâm là một nghề..."
PV: Ông Nguyễn Xuân Lập - Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTBXH) đã phát biểu bên lề Hội thảo quan điểm, định hướng xây dựng chính sách pháp luật về mại dâm: "Quan điểm của chúng tôi là hiện nay ở nước ta không thể thành lập "phố đèn đỏ" và không có nghề mại dâm trong giai đoạn từ nay đến năm 2020". Ý kiến của chị về quan điểm này như thế nào?
ThS. Mai Thị Việt Thắng: Tôi rất vui khi nghe được quan điểm chính thức của Cục về vấn đề này. Câu trả lời cho thấy nhà chức trách đã có kế hoạch, tính toán về thời gian cụ thể để giải quyết một vấn đề vẫn còn “treo” trong nhiều năm.
Trên thực tế, việc hợp thức hóa sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như sự sẵn sàng và mức độ tham gia của nhóm liên quan (những người hành nghề) trong việc xây dựng và thực thi chính sách; Sự cởi mở, khả năng lắng nghe và sử dụng những thông tin khoa học từ giới học giả trong nước và thế giới; Khả năng giải quyết những ý kiến trái chiều, kế hoạch thực thi… của những người có thẩm quyền.
Trong những năm qua, bằng sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực liên quan cùng sự trưởng thành không ngừng, sự tham gia có trách nhiệm của nhóm tự lực của những người phụ nữ hành nghề và sự cởi mở của những người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, chúng ta đã tiến những bước xa trên con đường đi đến việc công nhận mại dâm là một nghề.
Vì vậy, chúng ta không nên để quá lâu nữa, cứ coi như 2020 là thời gian để giải quyết vấn đề một cách đầy đủ và chín muồi.
Rất cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!