Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của phụ huynh đang có con theo học tại Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến các khoản thu chi đầu năm.
Họp phụ huynh "ù tai" với các khoản thu đầu năm
"Tôi có con đang học tại Trường trung học phổ thông Tây Thạnh (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh).
Cuộc họp phụ huynh vừa qua, tôi phải bỏ về giữa chừng vì hội trưởng hội phụ huynh lớp kêu gọi nhiều khoản thu để xây dựng cơ sở vật chất và khen thưởng cho học sinh từ gợi ý của hiệu trưởng.
Bảng kê này chưa có tiền quỹ lớp và tiền kêu gọi giúp nhà trường xây dựng cơ sở vật chất. Ảnh phụ huynh cung cấp. |
Cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2022-2023, tôi được thông báo phải đóng tổng cộng các khoản tiền cho nhà trường lên đến 7,1 triệu đồng/năm, chưa kể tiền học phí vì đang chờ chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo đó, các khoản đóng góp cơ bản gồm: bảo hiểm tai nạn: 50.000 đồng; bảo hiểm y tế: 563.220 đồng; dạy buổi 2: 2.700.000 đồng; nước uống: 120.000 đồng; tiền điện phòng học máy lạnh: 320.000 đồng; tiếng Anh giáo viên nước ngoài: 2.080.000 đồng; quỹ lớp 400.000 đồng.
Ngoài ra, còn có các khoản tiền vô lí như: ấn chỉ ấn phẩm: 200.000 đồng; hệ thống thông tin quản lí học sinh: 160.000 đồng; phí tài khoản học trực tuyến K12 online: 100.000 đồng; thể dục tự chọn 100.000 đồng; tiền quỹ hội phụ huynh: 500.000 đồng.
Trong cuộc họp, một người được giáo viên chủ nhiệm giới thiệu là hội trưởng hội phụ huynh - mặc dù vị này chưa được ai bầu cả, đứng lên dõng dạc kêu gọi mỗi phụ huynh đóng góp 500.000 đồng giúp nhà trường xây dựng cơ sở vật chất và khen thưởng cho học sinh theo gợi ý của hiệu trưởng.
Trước khi giáo viên chủ nhiệm tổ chức họp phụ huynh thì hội trưởng hội phụ huynh các lớp đã có cuộc họp chung với hiệu trưởng nhằm thống nhất chủ trương, quan điểm. Điều này cho thấy, giáo viên chủ nhiệm đã có sự lựa chọn hội trưởng hội phụ huynh từ trước.
Tôi băn khoăn ai cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh kêu gọi mỗi phụ huynh đóng quỹ 500.000 đồng nếu không được hiệu trưởng “bật đèn xanh”?. Trường này có hơn 2.600 học sinh, tôi nhẩm tính thì tổng tiền thu về khoảng 1,3 tỉ đồng?”, phụ huynh nêu.
Phụ huynh cũng phản ánh, tại cuộc họp, một phụ huynh khác nếu ý kiến là họ có thể đóng góp cho nhà trường với điều kiện hiệu trưởng phải đưa ra dự toán cho các hạng mục, ví dụ xây dựng cơ sở vật chất gồm những công trình nào, khen thưởng cho học sinh hết bao nhiêu, chứ không phải muốn thu bao nhiêu cũng được theo kiểu áp sẵn.
"Tôi đi khảo sát cơ sở vật chất của trường này thì thấy rằng, trường có sân chơi với sức chứa khoảng 3.000 học sinh; nhiều cây xanh cho bóng mát; có hồ bơi; bãi để xe gắn máy; căn-tin tiện nghi; phòng nghỉ trưa của học sinh nam, nữ tách biệt; nhà vệ sinh sạch sẽ; phòng học khang trang sạch đẹp với đầy đủ trang thiết bị hiện đại; có phòng máy tính…", nên không rõ với số tiền nếu huy động được khoảng 1,3 tỉ đồng trường sẽ dùng vào việc gì?
Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh nói gì về các khoản đóng góp?
Ngày 26/9, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Quang Đạt – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh đã có giải thích về những khoản tiền mà phụ huynh đề cập.
Thầy Đạt cho biết, các khoản đóng tiền bảo hiểm tai nạn, thể dục tự chọn là tự nguyện. Các khoản thu này đều thu theo năm học, trong đó bảo hiểm tai nạn đóng 50.000 đồng/học sinh/năm (có nhiều loại gói bảo hiểm), thể dục tự chọn đóng 100.000 đồng/học sinh/năm học.
Với thể dục tự chọn học sinh có thể chọn giữa bơi, cầu lông, các loại võ, bóng chuyền, bóng rổ…Môn thể dục tự chọn có đưa vào thời khóa biểu học, nhưng không chấm điểm mà chỉ có xếp loại đạt hay không đạt.
Cái thiếu sót lớn nhất của trường trong việc này, theo thầy Đạt nói là trong phiếu báo thu tiền gửi cho học sinh, phụ huynh thì trường không chú thích rõ đây là khoản tự nguyện.
Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: P.L) |
Thừa nhận một số lớp trong Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh thu tiền quỹ lớp 400.000 đồng là sai, vì nhà trường đã thông báo rất rõ ràng trong cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đầu năm là nhà trường không cho phép thu loại quỹ này.
Dù thế, thầy Nguyễn Quang Đạt vẫn nhìn nhận rằng, do bản thân mỗi phụ huynh trong lớp đó có nhu cầu, nguyện vọng đóng để lo cho chính việc học, khen thưởng học sinh ở trong lớp.
Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Thạnh nhấn mạnh rằng, nhà trường cũng khó can thiệp vào việc này, chỉ nghiêm cấm giáo viên trường nhận quà của học sinh được trích mua từ tiền quỹ lớp.
Về khoản thu này, thầy Nguyễn Quang Đạt hứa sẽ có chấn chỉnh, rà soát lại các lớp học trong trường về tình hình thu quỹ lớp.
Khoản tiền ấn phẩm, ấn chỉ thu 200.000 đồng/học sinh/năm học, thầy Đạt lý giải: Ngoài việc dùng vào việc dùng khoản tiền này chi cho giấy, đề thi, kiểm tra…trường còn đầu tư để làm cho học sinh thẻ từ, dây đeo, chụp hình thẻ học sinh để cho việc kiểm diện học sinh bằng máy mỗi ngày, thẻ vào thư viện (thay cho phù hiệu đeo trên áo).
Khoản thu Hệ thống thông tin quản lý học sinh (160.000 đồng/học sinh/năm học) dùng để phụ huynh xin phép cho học sinh nghỉ học, các loại thông tin trao đổi giữa phụ huynh và nhà trường, phụ huynh có thể tra cứu các thông tin của học sinh trong quá trình học ở trường.
Phí tài khoản học trực tuyến K12 online thu 100.000 đồng/học sinh/năm học là dùng để dành cho việc dạy và học trên internet, học sinh và thầy cô cần có nền tảng để dạy ngoài việc dạy và học trực tiếp ở trên trường.
Với thông tin phụ huynh phản ánh rằng, hiệu trưởng kêu gọi phụ huynh đóng góp 500.000 đồng/học sinh để giúp trường xây dựng khen thưởng cho học sinh, đóng góp xây dựng cơ sở vật chất cho trường, thầy Nguyễn Quang Đạt xác nhận là trường có kêu gọi phụ huynh đóng góp ủng hộ việc này.
Dù vậy, thầy Đạt khẳng định, việc này là tùy tâm, tự nguyện từ phía mỗi phụ huynh, hoàn toàn không có chuyện hiệu trưởng áp mức tiền 500.000 đồng/em.
Việc tài trợ của phụ huynh sẽ căn cứ vào Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT, tài trợ cho cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.