Bạn em bảo, yêu thì cưới, chứ yêu mà cứ đắn đo, suy tính chi cho khổ; thời buổi này, không sống được với nhau thì đường ai nấy đi, mắc gì phải sợ miệng lưỡi thế gian chuyện hai, ba đời chồng.
Ước gì em nghĩ giản đơn được thế. Nhưng ơn trời, dường như em đã tìm được đúng người mà em ao ước, là anh, dù trước đó, em cứ mang anh lên bàn cân, đong lên, đo xuống, cân nhắc đủ đường. Gần 10 năm hôn nhân, em vẫn mãn nguyện về “tập hai” của mình. Nhiều lúc em thầm cảm ơn anh mà không dám bày tỏ, nhất là khi anh thành thật: đàn ông sức dài vai rộng, đáng gì mấy chuyện bếp núc mà không biết vào bếp, sá gì hai tầng lầu mà không bê nổi thau đồ cho vợ.
Em thích nụ hôn kéo dài của anh, làm em hạnh phúc đến ngộp thở. Nụ hôn ngọt ngào đến nỗi em nghiện - điều em chưa từng cảm nhận ở người cũ, vì sau khi cưới chỉ một năm, người ấy đã quên hôn vợ. Em nghĩ, đàn ông cần phải “biết” hôn vợ, vì nụ hôn là cầu nối, có thể hàn gắn sứt mẻ hay giúp thăng hoa tình cảm. Điều dễ ợt ấy, có mấy đàn ông làm được như anh.
Em cũng rất thích nhìn cảnh anh mang tạp dề vào bếp. Tuy có phần lạm dụng gia vị, mỗi khi thấy anh nêm tiêu, hành, ớt, tỏi; trông anh như một dược sĩ pha chế thuốc đầy điêu luyện, dù sau khi anh ra khỏi gian bếp, em phải vất vả dọn dẹp bãi chiến trường. Không sao. Bãi chiến trường ấy lớn bé cỡ nào, em cũng “cân” được hết, miễn mẹ con em có bữa cơm ấm áp bên anh. Anh cứ bảo em nịnh, phong cho anh nhiều biệt danh hay ho, nhưng với em, anh xứng đáng nhận những lời từ tận đáy lòng, bằng sự ngưỡng mộ và yêu thương.
Thật ra, anh chẳng phải mẫu người hoàn hảo. Có bao điều em phải “đào tạo” anh trước hôn nhân, để anh quen “nếp” mà “vào”. Chẳng hạn, phải ăn cơm nhà đúng giờ, ngoại trừ trường hợp đặc biệt. (Em từng nghĩ “trường hợp đặc biệt” là “kẽ hở” cho anh, nhưng anh đã không lạm dụng). Thấy anh có phần điệu đà, em cũng không thích. Em thích mẫu đàn ông giản dị nhưng gọn gàng, để “bướm hoa” bớt chờn vờn và em đỡ tốn công chải chuốt cho chồng.
Em cũng sợ đàn ông đàm đúm, rượu chè, quên trách nhiệm gia đình. Dường như những gì chồng cũ làm em khó chịu, em đều sửa ở anh, dù đôi khi cũng thấy mình quá đáng. Anh đã vì thương em mà nghe theo, chứ “má anh nói, anh còn không nghe, huống gì vợ”. Là em biết sử dụng "chiêu trò" đấy.
Có thể vì là “tập hai” nên anh biết nghĩ lại chăng? Cứ cho là thế. Hôn nhân “tập hai”, muốn bền vững, hai phía càng phải nỗ lực.
Trải qua một cuộc hôn nhân thất bại, em đã ngộ ra nhiều bài học. Em từng tự trách mình lúc nào cũng nghĩ phải sống thật, lời ăn tiếng nói có cục mịch cũng không được dối trá. Nhưng vấn đề không phải là dối trá hay thực lòng, mà là sự khôn ngoan để lèo lái mọi việc được ấm êm. Có lỗ lã gì đâu, chỉ là chút kiềm chế để thốt ra mấy lời dịu êm, hay đơn giản là lời xin lỗi đúng thời điểm thôi mà.
Như hôm má đến thăm, em và má tranh cãi về chuyện đôi vợ chồng nhà sát vách. Em không cố tình ăn thua với má, nhưng vẫn cãi đến cùng vì biết chắc mình đúng. Khi anh nháy mắt, em lập tức dịu giọng bằng cách “lái” suy nghĩ theo hướng khác, để má nhẹ nhàng hơn. Em ríu rít mong má thông cảm, vì em vốn sống ở xứ “hay cãi”. Má cười huề. Hay những hôm có má, em dành hết phần việc nhà về mình, để anh trở thành người đàn ông lo việc lớn, để má không thấy thất vọng khi con trai mình… “làm mọi” cho vợ. Để rồi khi má về, anh lại xắn tay làm mọi việc, bù cho những ngày có má.
Đôi khi, em thấy mình bất công với anh. Nếu trước đây em dễ dãi với người cũ bao nhiêu thì nay em ép anh vào quy củ bấy nhiêu - mọi giao kèo, móc ngoéo trước đó, em đều bắt anh phải thực hiện. Thật may, anh là người có trách nhiệm với gia đình, chứ không phải vì sợ em. Anh biết giữ lời hứa, hiểu cảm xúc của vợ, dù biết đâu anh từng là người chẳng ra gì trong mắt vợ cũ.
Em tuy có lúc ích kỷ với anh, nhưng cũng luôn nhắc nhở mình coi chừng “già néo đứt dây”. Em tự thấy, sau những nỗ lực của anh, là sự biết điều của em. Một nụ hôn hay lời nịnh nọt sẽ luôn có giá trị khi phát huy đúng thời điểm, chẳng phải là chiêu trò sao?