Tạm giữ bảo mẫu nghi bạo hành cháu bé 1 tháng tuổi
Liên quan đến vụ việc bảo mẫu nghi bạo hành cháu bé 1 tháng tuổi xảy ra tại chung cư HH2C Linh Đàm, lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, cơ quan công an đang tạm giữ hành chính nữ giúp việc nghi bạo hành bé gái 1 tháng tuổi, ở tầng 23 chung cư HH2C Linh Đàm.
"Trước mắt cơ quan công an sẽ tạm giữ người này 3 ngày, chờ thông tin về sức khoẻ của cháu bé. Chúng tôi sẽ cử cán bộ đến bệnh viện thăm hỏi tình hình cháu bé, động viên phía gia đình", lãnh đạo UBND phường Hoàng Liệt thông tin.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sau khi được thăm khám tại bệnh viện tình trạng sức khoẻ của cháu bé đã ổn định và được gia đình đưa về nhà để chăm sóc, theo dõi.
Anh P.V.T. - trưởng tầng 23 chung cư HH2C Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, anh và mọi người trong tầng rất bất ngờ khi biết tin bé gái hơn 1 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành. Anh T. cho biết thêm, gia đình chị H. (mẹ cháu bé) mới chuyển đến tầng anh thuê nhà được khoảng 4 tháng nay. Cô gái bảo mẫu trông cháu bé được 1 tháng nhưng không khai báo với tầng.
Ở tầng 23, mọi người rất đoàn kết, nếu có người mới đến cư trú sẽ thông qua tầng để cư dân nắm được thông tin. Tuy nhiên, chị H. mới sinh xong, người bảo mẫu mới chuyển đến nên chưa thông báo. "Mẹ cháu bé sinh non, sức khoẻ yếu nên đã thuê một cô gái về giúp việc, cô gái này rất trẻ. Cách đây khoảng 10 ngày tầng tổ chức liên hoan sớm ngày 1/6 cho các cháu, mẹ cháu bé cùng giúp việc bế cháu ra giao lưu cùng mọi người. Hôm đó cũng là ngày cháu tròn 1 tháng tuổi", anh T. cho biết.
Cần phải điều tra làm rõ nếu có dấu hiệu phạm tội cần xử lý nghiêm minh
Trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, ông Hà Đình Bốn - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động -Thương binh & Xã hội) cho biết, trong vụ việc trên, rất may mắn, gia đình qua kiểm tra camera đã biết được sự việc, kịp thời ngăn chặn và đưa cháu bé đi cấp cứu. Đến hiện tại, sức khỏe của cháu bé đã ổn định. Tuy nhiên hành vi của người bảo mẫu cần phải điều tra làm rõ nếu có dấu hiệu phạm tội cần xử lý nghiêm minh.
"Hành vi của bảo mẫu Vũ Khánh Chi (21 tuổi, quê Nam Định) có thể gây tổn thương đến tâm lý, sức khỏe, thậm chí là đến tính mạng của cháu bé. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, chỉ cần rung lắc khi bế cũng có thể gây tổn thương não của cháu bé. Hành vi rung lắc có chủ đích, lắc mạnh như vậy thì rất dễ gây tổn thương đến não bộ, thậm chí dẫn đến liệt, xuất huyết não.
Những hành vi này đã xâm phạm đến quyền được chăm sóc và nuôi dưỡng của trẻ em. Theo đó, căn cứ điều 27 luật trẻ em 2016, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em", ông Hà Đình Bốn nói.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Bùi Xuân Lai (Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, theo nội dung clip được trích xuất từ camera của gia đình có thể thấy người bảo mẫu đã có những hành động lắc mạnh khiến trẻ bật khóc trong quá trình bế và trông em bé. Ngoài ra bảo mẫu còn có hành động bịt miệng và đặt bé nằm xuống một cách mạnh bạo.
Đối chiếu theo quy định tại khoản 6, điều 4 luật trẻ em 2016 bạo lực trẻ em có hành vi hành hạ, ngược đãi, xâm hại thân thể sưc khỏe trẻ em... mà hành vi hành hạ ngược đãi được hiểu là việc đối xử tồi tệ làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.. Từ đó có thể thấy rằng hành vi trên của người bảo mẫu nếu khiến cho em bé bị tổn thương về sức khỏe thì hành vi đó có thể được xem là hành hạ và ngược đãi.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, nếu hành vi đó gây ra hậu quả nghiêm trọng có thể sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội được quy định tại Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như: tội hành hạ người khác, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác, tội vô ý làm chết người, tội giết người.
Khi có tình tiết phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì người thực hiện hành vi phạm tội có thể chịu hình phạt cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình. Tùy thuộc vào mức độ và tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, người vi phạm dẫn đến hậu quả nghiêm trọng tổn hại về sức khỏe tinh thần của người bị hại mà người bảo mẫu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có các dấu hiện tội phạm theo các quy định của Bộ Luật Hình Sự 2015 bổ sung năm 2017.
Tuy nhiên nếu chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự thì người bảo mẫu có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng và áp dụng các biện pháp phạt bổ sung.
Trước đó, ngày 31/5, mạng xã hội Facebook chia sẻ thông tin kèm theo clip ghi lại cảnh bảo mẫu có hành động rung lắc mạnh một em bé trên tay khiến người xem thót tim.
Đoạn clip ghi lại lúc rạng sáng ngày 31/5 cho thấy, một người phụ nữ bế một cháu bé mới sinh liên tục có hành vi lắc mạnh khiến cháu bé khóc thét. Người này sau đó tiếp tục bế xốc, ôm lắc lư mạnh khiến cháu bé càng khóc hơn, sau đó đặt mạnh xuống giường.
Ngay sau được đăng tải lên mạng, đoạn clip đã thu hút hàng trăm bình luận và chia sẻ. Nhiều người tỏ ra phẫn nộ trước hành vi của bảo mẫu này.