Học phí cao vẫn ớn!
Để con có môi trường học tốt hơn, không phải chịu cảnh “è cổ ra học”, chị Hồng Hạnh (Q. Hà Đông, Hà Nội) đã cho con chuyển sang trường tư khi con vào lớp 2. Mỗi tháng, chi phí học hành của con là 6 triệu đồng, bằng nửa tiền lương của chị Hạnh.
Chị bảo, gia đình “chịu được nhiệt” số tiền này bởi trường gần nhà, tiện đưa đón. Trong suy nghĩ của chị, “trường tư” luôn là môi trường thân thiện, an toàn cho con vì được các cô chăm chút hơn trường công lập.
Tuy nhiên, sau vụ việc bé trai tử vong ở trường Gateway do nghi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón suốt 9 tiếng đồng hồ, chị cảm thấy vô cùng hoang mang.
“Phụ huynh đã gánh học phí cao ngất ngường để con được học môi trường ngoài công lập, vậy mà vẫn xảy ra thảm kịch như vậy thì không biết tin vào đâu nữa?”, chị Hạnh bày tỏ.
Cũng chung tâm trạng như thế, chị Đỗ Thị Ngọc (Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết chị có hai con sinh đôi đều theo học trường quốc tế.
Chị cảm giác “háo hức hơn cả con” khi đưa hai con sinh đôi nhập học. Niềm hân hoan qua đi, còn lại phía sau là “trường kỳ kháng chiến với cơm áo gạo tiền để đóng học phí cho con”.
“Chứng kiến buổi chào mừng dành cho các con hoành tráng mà xúc động lắm. Hai đứa tự chọn chỗ ngồi, học ở hai lớp khác nhau mà vị trí chọn giống y hết nhau. Ưng nhất là mỗi lớp sĩ số chỉ 26 – 27 bạn. Mong muốn con có môi trường giáo dục tốt, phát triển đầy đủ các kỹ năng, gia đình “nghiến răng” chi tiền đăng ký cho hai con học trường quốc tế”, chị Ngọc bộc bạch.
Sau vụ việc bé trai tử vong do bị bỏ quên trên xe ô tô, điều chị mong mỏng nhất không phải là con học được thứ nọ thứ kia mà là con được bình an trở về nhà sau một ngày tới trường.
Theo chị, thực tế thì ở đâu cũng không thể an toàn tuyệt đối được. Lao đầu kiếm tiền như điên để cho học trường Gateway, phụ huynh vẫn cảm thấy nơm nớp lo lắng.
Chọn trường thế nào để con được an toàn?
Đến thời điểm này, vụ việc bé trai tử vong ở trường Gateway như một bài học làm nhiều bậc phụ huynh “vỡ mộng” về trường quốc tế. Cho con học ở đâu để được an toàn đã trở thành câu hỏi nhức nhối.
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (Giảng viên Khoa giáo dục tiểu học ĐH Sư phạm Hà Nội) không giấu được cảm xúc xót xa. Theo Tiến sĩ Thu Hương, khi người ta còn coi giáo dục là dịch vụ và chọn trường dựa vào sự hoành tráng của cơ sở vật chất thì những chuyện khủng khiếp vẫn sẽ xảy ra.
Không phải trường quốc tế là học sinh sẽ ngoan, giỏi bởi nhiều lần đi dạy ở trường quốc tế, nữ tiến sĩ vẫn gặp tình cảnh học sinh chạy loạn xạ, mất trật tự, la hét ầm ĩ.
Chọn trường theo lời mách bảo của mọi người là chưa đủ, phụ huynh nhất thiết cần có kỹ năng chọn trường cho con.
Tìm hiểu chương trình học
Việc đầu tiên là tìm hiểu chương trình học ở trường. Việc này, cha mẹ chỉ cần tham khảo ý kiến những phụ huynh có con học ở trường đó, quan sát, trò chuyện với các bạn học sinh là sẽ có câu trả lời.
Quy trình chăm sóc trẻ
Thứ hai là tìm hiểu quy trình chăm sóc trẻ. Có nhiều câu hỏi cần được trả lời thỏa mãn. “Nếu con ốm cần có lưu ý đặc biệt, chúng tôi liên lạc với ai?”; “Tôi sẽ liên lạc với ai nếu con không chịu học bài?”; “Con sẽ được ăn ngủ thế nào và ai phụ trách điều này?”
Đặc biệt là vấn đề đi lại của các con. Khi các con đi xe, phụ huynh cần biết sẽ liên hệ với ai để biết lịch trình và trình bày các lưu ý đặc biệt?
Chỉ cần các câu trả lời quá sơ lược, phụ huynh cũng có thể đoán được mức độ chăm sóc trẻ đến đâu để yên tâm giao con.
Không quá đề cao cơ sở vật chất
Theo quan điểm của Tiến sĩ Thu Hương, phụ huynh không nên quá tập trung vào cơ sở vật chất khi chọn trường cho con.
“Bởi một nghịch lý là những nhà giáo dục thật sự thì không đủ giàu để tạo ra cơ sở vật chất hoành tráng ngay từ đầu cho trẻ.
Để có cơ ngơi khang trang, chắc chắn các nhà giáo dục thật sự phải mất nhiều năm tích lũy nhưng ban đầu, cơ sở của họ thường đơn sơ. Những người đứng đầu không chuyên làm giáo dục thì dễ dàng có những quy định, quyết định mâu thuẫn với mục tiêu đào tạo, giáo dục trẻ.
Vì thế, đôi khi, việc lựa chọn nhà trường có cơ sở vật chất hoành tráng cho con lại là cách đơn giản nhất để cha mẹ đẩy con vào dịch vụ giáo dục với mọi thứ đều được mã hóa, coi con trẻ như những sản phẩm sản xuất chứ không phải những con người có tâm tư, cảm xúc”, Tiến sĩ Thu Hương bày tỏ.
Đưa đón con, trao tận tay cô chủ nhiệm trong tuần đầu đi học
Tuần đầu tiên con đi học, cha mẹ cần đưa đón con, trao con tận tay cho cô chủ nhiệm, nói chuyện, tâm sự với cô về con để cô hiểu con và có cách làm việc với con hiệu quả nhất.
“Đừng để con một mình lên xe ô tô ngay từ những ngày đầu đi học. Con sẽ sốc. Tôi cho rằng cha mẹ hãy dành nhiều thời gian hơn để con được học trường phù hợp, thích nghi tốt nhất với môi trường mới, đặc biệt là với lứa tuổi non nớt mới bước vào lớp 1”, Tiến sĩ Thu Hương nhắn nhủ.