Chúng tôi đến công ty của Phạm Văn Minh tại quận 7, TP.HCM lúc 16g một ngày cuối tháng 8. Chàng trai 8X không ngần ngại trải lòng về những ngày tháng đã qua, hướng đi của cuộc đời và những lời nhắn nhủ đến các bạn trẻ khởi nghiệp thông qua chính câu chuyện của mình.
Chọn nghề "bốc vác" thay cho con chữ
Đỗ vào trường đại học Kinh Tế TP.HCM ngành Quản trị vào năm 2003, chàng trai trẻ Phạm Văn Minh như bao sinh viên đại học khác "khăn gói" lên thành phố học, mang theo những hoài bão về tương lai tươi sáng. Thế nhưng, giấc mơ thành danh với con chữ đã không mỉm cười với anh.
Minh hóm hỉnh cho biết, bản thân anh chưa từng nghĩ là sẽ bỏ dở con đường học vấn cho đến khi… nợ môn qua không nổi, bị xếp hạng sinh viên... học dở nhất lớp.
Thời điểm quyết định bỏ dở con đường học vấn, Minh quyết tâm phải thành danh theo một con đường khác, chính là hướng đi mà anh đã ấp ủ từ bé.
Minh kể, từng có một người thân thiết nói với anh rằng “phi thương bất phú”, muốn giàu có thì phải kinh doanh…
“Người giỏi đi nhanh, mình dở thì chậm hơn nhưng tuyệt đối không nản chí. Nhất là khi không có bằng đại học thì bản thân phải cố gắng hơn người khác bội phần”, anh khẳng định.
Thời sinh viên, Minh được bạn bè giới thiệu vào làm bốc vác cho một công ty chuyển nhà. Minh được công ty tín nhiệm nên trở thành trưởng nhóm, quản lý… Sau đó, Minh quyết định “ra riêng”, cùng vài người bạn mở công ty dọn nhà (Vietnam Moving) từ những kinh nghiệm học được.
“Công ty vận chuyển ra đời vào thời điểm tôi 26 tuổi, nguồn vốn ban đầu chỉ mười mấy triệu đồng. Tôi về nhà xin tiền ba mẹ để mở công ty, bị gia đình nói là suy nghĩ viễn vông, bắt chước người ta… Thuyết phục gia đình dần rồi mọi người cũng ủng hộ. Người cho vài triệu đồng, sau lên được vài chục triệu đồng. Nhưng số tiền này không làm gì được nhiều, chỉ đủ đắp đổi qua ngày”, Minh nhớ lại.
Thời gian đầu, Minh phải tự làm hết mọi việc như nghe/gọi điện thoại mời khách, phát tờ rơi, làm hợp đồng, vận chuyển… Giai đoạn công ty khó khăn, anh phải cho nhân viên kiếm thêm công việc khác để sống qua ngày.
Từ chặng đường khó khăn ban đầu, Phạm Văn Minh đã dần dần thiết lập được một chỗ đứng trong thị trường dịch vụ vận chuyển và mở rộng quy mô công ty ra các địa điểm lân cận thành phố.
Làm giàu từ nội thất "second – hand"
Thời điểm công ty dọn nhà kinh doanh khởi sắc thì cũng là lúc Phạm Văn Minh nhắm đến một lĩnh vực kinh doanh mới mẻ, đầy thử thách: thị trường nội thất thanh lý.
Vì đã có ý định từ trước, Minh thu mua và tích trữ 5 – 7 xe hàng nội thất cũ. Khi đó, công ty dọn nhà của Minh nhận được gói vận chuyển từ một thương hiệu thương mại điện tử đình đám.
Tuy nhiên, điều kiện đi kèm là hãng vận chuyển phải nhận thanh lý luôn hàng loạt vật dụng nội thất và thiết kế nội thất cũ trong công ty của đối tác.
“Lý do phải nhận thanh lý là vì họ chuyển sang địa điểm mới đã có nội thất sẵn, mới hoàn toàn. Nhiều người ngăn tôi vì nghĩ rằng không thể "ôm" một loạt mặt hàng với chi phí cao. Nhưng bản thân tôi mới hiểu mình đã chờ đợi điều gì nên bằng mọi giá phải giành được hợp đồng trên”, Minh bộc bạch.
Mua được rồi, Minh gặp khó khăn về địa điểm có thể chứa được lượng lớn hàng hóa thanh lý. Anh quyết định mở ngay cửa hàng đầu tiên để bán hàng, vừa xem đó là "kho" chứa hàng, vừa là nơi trưng bày. Công ty nội thất Vina Save ra đời từ đó.
Minh chia sẻ, từ lâu anh đã nghĩ ra việc kinh doanh các mặt hàng nội thất cũ, giá rẻ cho những người có nhu cầu. Bên cạnh các mặt hàng nội thất, công ty của anh thu mua rất nhiều mặt hàng khác như điện máy, xe cộ, vật dụng văn phòng…
Có những sản phẩm chỉ cần vệ sinh sạch sẽ là bắt mắt ngay vì mới 90%. Riêng các mặt hàng quá cũ cần phải sơn sửa, tái chế thì công ty có bộ phận thợ đảm nhận.
“Nhu cầu nội thất cũ rất lớn. Những ai muốn tiết kiệm chi phí trang trí nội thất, họ sẽ tìm đến chúng tôi. Ngoài ra, còn có những người thích sưu tầm đồ cũ. Đa phần người ta có nhu cầu nội thất gỗ tự nhiên”, Minh nói.
Hầu hết các mặt hàng được công ty thu mua chủ yếu là đồ nội thất phổ thông. Tuy nhiên, công ty cũng từng mua rất nhiều hàng thanh lý có giá lên đến 500 triệu đồng hoặc cả tỷ đồng.
Minh cho rằng, anh kinh doanh nội thất cũ khá suôn sẻ hơn người khác là vì có sẵn nền tảng về ngành vận chuyển từ công ty dọn nhà, lấy bên này nuôi bên kia. Vì những người khởi nghiệp với hàng nội thất "second-hand", vốn và logistic (vận chuyển) sẽ là thử thách không hề nhỏ.
Từ một cửa hàng ban đầu, hiện Minh đã mở rộng được 4 cửa hàng nội thất thanh lý với diện tích từ 300 m2 trở lên đặt tại TP.HCM, bao gồm quận 7, Tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân), quận 4 và quận 8.
Chọn thị trường ngách để kinh doanh, doanh thu Minh đem về cũng rất khả quan. Theo Minh tiết lộ, doanh thu mục tiêu mỗi tháng từ 4 cửa hàng trung bình từ 1,7 – 1,8 tỷ đồng.
Nhớ về chặng đường đã qua, Minh cho biết bản thân anh hoàn toàn không sợ thất bại. “Thất bại thì mất công, mất tiền, mất sức… Nhưng tôi sẽ mua lại được bài học. Tôi coi đây là cơ hội chứ không phải là khó khăn”, Minh nói thêm.
Bên cạnh đó, anh cũng nhắn nhủ đến những bạn trẻ có ý định khởi nghiệp, rằng muốn khởi nghiệp thì phải nhìn vào nhu cầu của chính bản thân mình.
“Ví dụ như đi tìm mua một món đồ, tìm hoài tìm mãi không có. Tức quá thì mình kinh doanh món đó luôn. Hãy gác tay trên trán để suy nghĩ chiến lược kinh doanh chứ đừng ngồi suy nghĩ về hai từ khởi nghiệp – khởi nghiệp gì, khởi nghiệp từ đâu”, Minh nói.