17 giờ sau khi bị rắn cắn, bệnh nhân 41 tuổi mới vào Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ). Lúc này bàn tay trái của anh đã sưng nề, tím ngắt, chảy dịch và hoại tử ngón thứ hai. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu ngón tay bị hoại tử của bệnh nhân.
Theo các bác sĩ, hổ mang là loài rắn rất độc. Người bị rắn hổ mang cắn có thể bị hoại tử vùng bị thương, cắt cụt chi, nhiễm trùng máu đe dọa đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vì vậy, người bị rắn cắn cần phải sơ cứu tại chỗ và tới ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu.
Khi bị rắn cắn, hãy trấn an người bệnh, không để tự đi lại. Bất động chân tay bị cắn bằng nẹp vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn. Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
Sau đó, băng ép bất động vùng bị thương để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. Có thể dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo băng từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, ngon tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng...) cố định chân, tay bị cắn. Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
Nếu bệnh nhân khó thở thì thực hiện hô hấp nhân tạo. Khi nạn nhân có dấu hiệu ngừng tuần hoàn, phải tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim. Chú ý, bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp bị rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Nếu trễ sau 24-48 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.
Không nên mất thời gian đi tìm thuốc đắp hoặc thầy lang, làm kéo dài thời gian chờ đợi của bệnh nhân vì đến viện muộn sẽ mất cơ hội cứu chữa.