Bỗng dưng... mất con
"Gần 1 năm kể từ ngày ra tòa ly hôn, tôi bị chồng ngăn cản, không cho gặp con nữa. Khi đó con mới vài tháng tuổi, nhiều lần khóc vì khát sữa nhưng anh ấy khóa cửa, không cho tôi vào cho con bú.
Chưa đêm nào tôi có được một giấc ngủ trọn vẹn, nghĩ đến con mà lòng tôi quặn thắt. Cả năm trời tôi gửi đơn đi khắp nơi cầu cứu chỉ mong được gần con", chị Cấn Thị Thùy Dương (TP Bắc Ninh) nói về hành trình gần 1 năm qua đi đòi con trong nước mắt.
Theo lời chị Dương, chị và chồng cũ kết hôn vào tháng 8/2020. Tin tưởng sẽ có một cuộc hôn nhân viên mãn, nhưng những ngày hạnh phúc của vợ chồng chị đếm trên đầu ngón tay.
Tháng 9/2021, chị Dương sinh cháu Đ.G.T. Theo lời người phụ nữ, trước khi sinh con, tháng 7/2021, vợ chồng gần như sống ly thân bởi không còn tình cảm, đã nhiều lần xảy ra mâu thuẫn gay gắt, kể cả thời điểm chị đang mang bầu.
Ngày 6/4/2022, chị Dương nộp đơn ly hôn lên Tòa án Nhân dân thành phố Bắc Ninh. Lúc này con trai chị mới được 7 tháng tuổi.
"Trong quá trình sống ly thân chờ tòa giải quyết thủ tục ly hôn, tôi luôn tạo điều kiện cho chồng được thăm và chăm sóc con. Hai bên nội ngoại ở gần nhau nên có ngày anh K. lên thăm con 3-4 lần.
Cũng trong thời gian này, nhiều lần chồng cũ của tôi "âm thầm" bế con về nhà mà không cho tôi và gia đình biết. Thậm chí có lần anh K. giữ con ngủ lại qua đêm, không đưa con về với mẹ", chị Dương kể.
Đến ngày 8/5, anh K. một lần nữa bế con về nhà nội. Sau hôm đó, chị Dương đến đón con về nhưng bị chồng cũ ngăn cản.
"Tôi có van xin được chạm vào con thôi cũng không được. Ròng rã cả năm trời, tôi đã nhiều lần làm đơn, có cả đơn kêu cứu lên cơ quan chức năng nhưng đến nay mẹ con vẫn bị xa cách", chị Dương chia sẻ.
Nước mắt "đòi con" chưa ngưng
Sau nhiều tháng chị Dương gửi đơn, ngày 6/7/2022, TAND thành phố Bắc Ninh đã đưa vụ án ra xét xử. Bản án ly hôn số 39/2022/HNGĐ-ST nêu rõ: "Giao chị Cấn Thị Thùy Dương là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung là cháu Đ.G.T".
Ngay sau đó, anh K. đã có đơn kháng cáo đòi quyền được nuôi con. 2 tháng sau, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 19/9/2022, cơ quan tố tụng tuyên y án sơ thẩm.
Sau khi bản án có hiệu lực, tưởng như cuối cùng cũng đến ngày mẹ con được đoàn tụ. Tuy nhiên khi đến nhà chồng cũ để xin đón con về, chị Dương tiếp tục bị chồng cũ "cấm cửa", không cho vào gặp con.
"Tôi đứng trước cửa, có van xin thế nào cũng không được anh ấy cho vào gặp con. Nhiều lần sau đó, tôi gọi điện mà chồng cũ không bắt máy. Không còn cách nào khác, tôi tiếp tục làm đơn đến cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ thi hành án để sớm được đón con về nuôi dưỡng theo đúng quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc trên, ngày 3/10/2022, Chi Cục thi hành án Dân sự thành phố Bắc Ninh đã ra Quyết định số 02/QĐ-CCTHADS cho thi hành án đối với anh Đ.T.K.
Trong quyết định nêu rõ: "Giao con chung là cháu Đ.G.T., sinh ngày 4/9/2021 cho chị Cấn Thị Thùy Dương nuôi dưỡng. Người phải thi hành án có trách nhiệm tự nguyện thi hành án trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hoặc được thông báo hợp lệ Quyết định này".
"Giờ mỗi lần muốn gặp con, tôi phải đơn thư, cầu cứu đại diện cơ quan chức năng đi cùng thì chồng cũ mở cửa cho vào với cháu.
Hiện cơ quan công an đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với anh K. về hành vi không chấp hành bản án, tôi rất mong vụ việc sớm được giải quyết để mẹ con tôi sớm được đoàn tụ bởi giai đoạn này con thực sự rất cần mẹ bên cạnh", chị Dương nói.
Liên quan đến vụ việc trên, bà Bùi Thị Hùng Phương, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh cho biết, Hội Phụ nữ phường cùng các đơn vị liên quan đã 5 - 6 lần đến nhà anh K. để vận động, hòa giải. Tuy nhiên, anh K. rất cố chấp.
Sau nhiều lần hòa giải bất thành, Hội Phụ nữ phường gửi văn bản tới cơ quan chức năng kiến nghị giải quyết dứt điểm sự việc.
"Không ai muốn đưa vụ việc ra pháp luật bởi anh K. cũng là bố cháu bé, hơn nữa việc ly hôn giữa chị Dương và anh K. không xảy ra tranh chấp tài sản hay gặp vấn đề gì phức tạp.
Vấn đề ở đây chỉ là hai vợ chồng ai cùng muốn được nuôi con. Tòa tuyên như vậy nhưng anh K. kiên quyết không giao con, khiến vụ việc kéo dài mãi chưa có hồi kết. Không như cưỡng chế tài sản, cưỡng chế một đứa trẻ là một việc rất khó khăn", bà Phương nói.