Một người mẹ bị tâm thần cấp độ 2 ở Trung Quốc đã giam cầm con trai mình trong nhà suốt 9 năm trời. Trong 9 năm này, cô không cho đứa trẻ đến trường, không cho ra ngoài, thậm chí từ chối việc để đứa trẻ tiếp xúc với người thân trong nhà. Bữa ăn hàng ngày của hai mẹ con đều là vào mì ăn liền hoặc đồ ăn gọi bên ngoài.
Chẳng ai ngờ được căn nhà nằm giữa phố xá sầm uất này lại là một bãi rác kinh hoàng. Từ trong phòng ngủ đến phía ngoài hành lang đều chất đầy rác, đồ ăn đóng hộp, chai nước khoáng v.v… khiến người ta không thể tin rằng đây là nơi nuôi dưỡng một đứa trẻ trưởng thành.
Sinh ra không biết mặt cha, từ nhỏ bị mẹ giam cầm tại nhà suốt 9 năm. Cung Lượng (đã dùng tên giả) may mắn đã được những nhân viên cộng đồng giải cứu.
“Khoảng tháng 3 năm ngoái, chúng tôi được bà ngoại đứa trẻ báo lên mới biết được có sự việc như vậy”, Giám đốc sở tư pháp thị trấn Tú Phong, Quế Lâm, Trung Quốc nói. Bà ngoại của đứa trẻ hiện nay đã 80 tuổi, cùng mẹ của đứa trẻ là Cung Hà (đã dùng tên giả) ở cùng một khu. Bởi khu nhà tập thể này là nơi ở của nhân viên công chức, vì đều là người quen, nên ngoại trừ việc vài lần phàn nàn rằng Cung Hà để rác ngoài hành lang ra cũng không nhận thấy có điều gì bất thường.
Trước đây, thỉnh thoảng Cung Hà còn để cho bà ngoại gặp cháu, nhưng do xảy ra cãi vã liền đóng cửa không cho gặp nữa. Thấy rằng cháu mình đã đến tuổi đi học nhưng bị giữ trong nhà, bà ngoại không nỡ lòng nên đành báo cho chính quyền tìm hướng giải quyết.
Nhận được lời cầu cứu của bà ngoại, cán bộ cũng nhiều lần đến nhà Cung Hà để giảng giải. Tuy nhiên cô đều rất cảnh giác chặn ở cửa, chỉ thỉnh thoảng nói chuyện với nhân viên cộng đồng. Kỳ lạ là khi được hỏi, hầu hết hàng xóm đều không biết đến sự tồn tại của đứa trẻ đang sống trong căn phòng. “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy đứa bé, chỉ thỉnh thoảng nghe được giọng qua cửa sổ”. Trong suốt khoảng cuối năm 2018, nhân viên cộng đồng liên tục đến khuyên nhủ Cung Hà cho con đến trường, thậm chí đến ngày lễ thiếu nhi cũng mang quà là sách vở để tặng, tuy nhiên người mẹ dường như ngó lơ tất cả.
Một nhân viên cộng đồng giải thích rằng, do có vấn đề về thần kinh nên Cung Hà cho rằng con trai không thể tự chăm sóc cho bản thân nên quyết định giam cầm con tại nhà và cho rằng như vậy sẽ tốt cho thằng bé. Sau nhiều lần khuyên nhủ không thành công, những nhân viên cộng đồng quyết định báo cáo cho cấp trên và yêu cầu một cuộc giải cứu.
“Một số người nói rằng tại sao không sớm cứu đứa trẻ thoát khỏi cảnh này. Nhưng thực sự việc này còn liên quan đến nhiều thủ tục pháp lý phức tạp”. Một Ủy viên của Ủy ban chính trị & pháp lý cho hay. Giải cứu một đứa trẻ bị giam cầm 9 năm không phải là chuyện dễ dàng. Trước tiên phải theo quy định của pháp luật thay đổi quyền giám hộ, sau đó lập phương án, phòng trừ trường hợp người mẹ có những hành động cực đoan. Ngoài ra sau khi cứu được còn phải xem ai sẽ là người nuôi dưỡng đứa trẻ khi không biết bố là ai, và ông bà bé tuổi đã cao. Đứa trẻ bị giam giữ 9 năm liệu có thể tiếp thu được nền giáo dục giống như những đứa trẻ bình thường hay không, tất cả cần phải được tính toán.
Tháng 7 năm 2019, với sự hợp tác của ông bà ngoại, phòng nội vụ thị trấn Tú Phong đệ đơn lên tòa án nhân dân quận yêu cầu bỏ quyền giám hộ của Cung Hà với đứa trẻ. Tháng 8, tòa án nhân dân quận chấp nhận yêu cầu, đồng thời chuyển quyền giám hộ cho người ông ngoại của đứa trẻ.
Sau khoảng thời gian chuẩn bị, cuối cùng chiến dịch giải cứu bắt đầu. Để chắc chắn, một số sĩ quan cảnh sát đã mặc thường phục và theo dõi quanh căn phòng hai ngày. Cảnh sát nhận thấy rằng Cung Hà cũng rất ít khi ra ngoài, chỉ bước ra vào lúc 21h mỗi đêm để dọn rác và nhận đồ chuyển phát. Sau khi tìm hiểu, vào tối ngày 13/11/2019, nhân lúc Cung Hà ra ngoài như thường lệ, cảnh sát đã đột nhập vào nhà và cứu đứa trẻ.
“Khi vào phòng, chúng tôi đều bất ngờ, đứa trẻ đang ngủ trong đống rác”. Sau khi mở cánh cửa ra, một mùi hôi hám xộc lên từ căn phòng. Giữa lổn ngổn những đồ đạc cùng rác rưởi chất đống, là một đứa trẻ tóc tai bù xù ngồi, gương mặt nhợt nhạt, mặc một bộ quần áo ngủ của phụ nữ, tay cầm chặt chiếc điện thoại di động đứng trong góc phòng. “Chúng tôi cứ tưởng rằng bị giam cầm suốt 9 năm, thể trạng và tinh thần của đứa bé sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng thật may là sức khỏe, thân thể cũng như cách nói chuyện của bé không có gì quá bất thường. Đứa trẻ ngủ vào ban ngày và thức vào ban đêm”. Nhân viên cảnh sát chia sẻ.
Sau khi được cứu ra, các nhân viên tiến hành kiểm tra sức khỏe, tắm, thay đồ và đi cho cậu bé một đôi giày. Khi được nữ cảnh sát đưa vào xe, cậu bé nhìn phía ngoài kinh ngạc ồ lên: “Wow, một tòa nhà cao!”.
Ủy ban quận đã giúp cậu bé xây dựng một quỹ từ thiện và nhận được hơn 25.000 nhân dân tệ từ các nhà hảo tâm. Hiện tại, cậu bé đang được giáo dục và học tập tại một Cơ sở phục hồi chức năng, học kiến thức vào buổi sáng và luyện tập thân thể vào buổi chiều.
“Đứa trẻ phản ứng rất nhanh, năng lực biểu đạt cũng rất tốt, chỉ là không thể viết chữ”. Ngày 12/12/2019, người hướng dẫn họ Trần của Cung Lượng trả lời phóng viên China Youth Daily. Ông cũng nói thêm hiện tại cậu bé đã thích nghi được với môi trường mới, đồng thời thỉnh thoảng cũng gọi cho mẹ mặc dù trước đó cậu bé khai rằng thường hay bị mẹ đánh và mẹ chỉ cho bé ăn 1 bữa mì ăn liền trong 1 ngày. Dự kiến sau khoảng thời gian trong trung tâm giáo dục, cậu bé sẽ được đến các trường học như các bạn đồng trang lứa.