Tính đến hôm qua (23/11), sau 2 ngày chăm sóc và thực hiện cấy máu, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai có 7 trong 20 bé có thể tự thở, 10 bé phải theo dõi tích cực và 3 bé được phát hiện nhiễm vi khuẩn kháng thuốc cực mạnh. Trong đó, 2 trẻ điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương nhiễm vi khuẩn kháng thuốc, 1 trẻ ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc.
Trao đổi cùng PV Pháp Luật TP.HCM, TS. Lê Minh Trác – Giám đốc Trung tâm Chăm sóc và Điều trị sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết tính đến thời điểm hiện tại. có 7 trẻ sơ sinh chuyển từ Bắc Ninh không còn thở máy. Trong tuần tới dự kiến có 2 – 3 trường hợp sẽ được xuất viện. Tuy nhiên vẫn còn 3 bé đang trong tình trạng nặng, dự kiến phải nuôi dưỡng trong lồng ấp 1 – 2 tháng nữa.
Ông Trác chia sẻ thêm, dù đã tự thở được bằng khí trời nhưng việc ăn uống của các bé vẫn còn rất khó khăn, đặc biệt là 3 bé nhiễm khuẩn nặng nhất.
Đại diện khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện khoa đang điều trị cho 3 trẻ sơ sinh bị sốc nhiễm khuẩn chuyển đến từ ngày 20/11, trong đó có 1 bé rất nguy kịch. Thời điểm chuyển đến bệnh viện, bệnh nhi đang trong tình trạng xuất huyết não, tim phình to, bụng trướng, gan tổn thương nặng, hạ đường huyết liên tục và vàng da ứ mật.
Nói về tình trạng nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng cho hay đây là vấn đề thường gặp. Tuy nhiên, việc điều trị còn tùy thuộc vào loại vi khuẩn mà bệnh nhi mắc phải, phụ thuộc vào thể trạng từng bé, sức đề kháng mạnh yếu thế nào.
Bên cạnh đó, vì các bệnh nhi từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đều là trẻ sơ sinh non yếu nên cần phải theo dõi thật tỉ mỉ từng giờ, từng ngày. Đồng thời, việc tiêm kháng sinh cho các trường hợp này phải thật cẩn thận và cần đưa ra chiến lược mới có thể điều trị được.