Báo VietNamNet cho hay, ngày 7/2 (tức 28 Tết Giáp Thìn), Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết bác sĩ khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận 2 bệnh nhân trong cùng một gia đình vào viện trong bệnh cảnh tụt huyết áp, rối loạn nhịp thất phức tạp do ngộ độc Aconitin sau uống 100ml rượu ngâm củ ấu tẩu.
Hai bệnh nhân lần lượt 49 và 68 tuổi, cùng nhau uống rượungâm củ ấu tàu. Sau uống khoảng 30 phút, cả 2 đều có biểu hiện tê môi, tê đầu lưỡi, chóng mặt, đau tức nặng ngực. Thời điểm được đưa vào khoa Cấp cứu, bệnh diễn biến ở giờ thứ 2.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Aconitin biến chứng rối loạn nhịp thất phức tạp, toan chuyển hoá rất nặng, được xử trí đặt sonde dạ dày, rửa dạ dày. Thầy thuốc cũng dùng các thuốc vận mạch, chống rối loạn nhịp thất, lọc máu liên tục để giải quyết tình trạng toan chuyển hoá cho bệnh nhân.
Sau lọc máu 12 giờ, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, hết toan chuyển hoá, không còn rối loạn nhịp thất. Sau 2 ngày điều trị bệnh nhân được xuất viện.
Theo Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM chia sẻ trên Báo Thanh Niên, cho biết củ ấu tàu chính là vị thuốc ô đầu và phụ tử, có nguồn gốc từ rễ của cây ô đầu (Aconitum spp.). Trong đó, củ cái của cây được gọi là ô đầu, thường không chế biến và chủ yếu dùng ngoài làm thuốc xoa bóp giảm đau. Còn củ con có tên là phụ tử, có thể dùng đường uống nhưng phải qua chế biến nghiêm ngặt theo các quy trình được quy định bởi Bộ Y tế để giảm bớt độc tính.
Thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin và các alkaloid, chúng rất dễ bị hấp thụ khi nuốt phải cũng như được hấp thụ qua đường tiếp xúc với da và các màng nhầy. Hiệu ứng của aconitin dựa trên sự gia tăng độ thẩm thấu của các ion natri qua các màng ngăn, làm chậm lại quá trình tái phân cực. Nó có tác động tới hệ thần kinh ngoại biên cũng như trung tâm. Ở liều thấp gây ra các tác động kích thích, ở liều cao hơn một chút thì tạo cảm giác nóng bỏng, gây nôn mửa, chóng mặt còn, ở liều cao hơn nữa thì gây tê liệt và dẫn tới tử vong do trụy tim.
Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, hàng năm cứ đến dịp cận tết, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường tiếp nhận rất nhiều trường hợp cấp cứu do ngộ độc rượu. Đáng nói, đa số những trường hợp này đều để lại di chứng nặng nề.
Thực tế, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận nhiều ca uống rượu quên ăn đến khi nhập viện đường máu bệnh nhân về 0; nguy hiểm đến tính mạng.
Rượu là chất tác động lên thần kinh, nên khi uống làm não chúng ta mất khả năng kiểm soát vì thế sẽ uống nhiều hơn. Dù các chuyên gia y tế đã có khuyến cáo về lượng uống cho nam và nữ bao nhiêu phải dừng, nhưng khi đã uống rất dễ thành lạm dụng bia rượu. Tết là để vui. Đừng vì rượu bia mà biến Tết thành những ngày u ám.