Những ngày hè oi ả, nhận lá đơn cầu cứu khẩn cấp của gia đình bà Lê Thị Luân (thôn Vân Chung, xã Lam Cốt, huyện Tân Yên, Bắc Giang), chúng tôi nhanh chóng lên đường về thăm.
Trước mặt, căn nhà thấp nhỏ như run lên bởi cái nắng nóng như thiêu, như đốt của buổi trưa hè. Bò lê dưới nền nhà nóng bỏng là hai anh em Phạm Văn Tú (4 tuổi) và Phạm Thanh Thảo (2 tuổi). Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt non nớt, nhưng dường như chúng còn mải chơi nên không để ý, chỉ có người lớn là nhìn xót ruột, thương các em đến quặn lòng.
Thấy nhà có khách lạ, bà Luân dẫn vội bố là cụ Lê Văn Đế vào nhà ngồi, dặn dò bố không được đi đâu vì ngoài trời quá nóng. Cụ Đế chậm chạp, không được khôn ngoan, nên bao nhiêu năm nay một tay con gái lo cả.
Bà Luân chăm cụ Đế đã đành, cuộc sống càng bí bách, kiệt quệ hơn khi bà cũng là chỗ dựa cho con gái không được bình thường cùng 2 đứa cháu mồ côi.
“Hai đứa này là cháu ngoại tôi đấy các cô ạ. Mẹ nó là Lê Thị Mai, con bé không được khôn ngoan như người ta, chậm chạp lắm, chẳng biết gì cả. Nó sinh tổng cộng được 3 đứa con cơ, nhưng một đứa bị bệnh mất rồi, còn 2 đứa này giờ về ở với tôi”.
Vừa gạt đi những giọt mồ hôi đang lăn dài trên mặt cùng những giọt nước mắt, bà Luân chỉ vào hai cháu bảo: "Tội thân cho chúng khi chẳng biết bố là ai cả…”.
Bà Luân không thể đi đâu xa làm thuê vì phải chăm bố già và hai cháu nhỏ
Nói xong, bà thở dài, đôi mắt kèm nhèm ứa lệ. Hơn ai hết bà hiểu những thiếu thốn, nhọc nhằn của gia đình mình. Cuộc đời bà không có người đàn ông bên cạnh làm trụ cột trong gia đình, giờ lại đến cuộc đời con gái, thành ra người thiệt thòi nhất lại là 2 đứa cháu thơ.
Chúng còn quá nhỏ để hiểu mọi việc, cũng chẳng biết bố là ai, chỉ thi thoảng ngu ngơ hỏi bà: “Sao bạn con có bố còn con thì không?”, câu hỏi ngây ngô của trẻ con như xoáy sâu vào tâm can, bà lại quay mặt đi và khóc...
Cuộc sống khó khăn trăm bề, nhưng bà lại không thể đi xa nhà làm thuê vì vừa phải chăm bố, vừa chăm con và 2 cháu. Nhờ được một người trong làng giới thiệu, con gái bà được người ta mướn đi trông nom hàng giúp để kiếm những đồng bạc lẻ.
“2 đứa nó yêu mẹ lắm nhưng mẹ thì đờ đẫn, có biết gì đâu. Tôi ngẫm cuộc đời tôi đã khổ khi một mình chăm con, giờ đến các cháu tôi còn thiệt thòi hơn. Tôi chỉ mong chúng có đủ cái ăn là tôi mừng rồi”, bà Luân gạt nước mắt, ngậm ngùi tâm sự.
Nhìn quanh ngôi nhà của mấy bà cháu, trước sau chúng tôi chỉ thấy vài ba bộ áo quần rách, dăm chiếc ghế cũ được cho để ngồi tạm và bao gạo đã gần hết. Đó là tất cả tài sản của bà để chăm nuôi các cháu. Hai đứa trẻ với gương mặt lấm lem, vận trên mình là bộ áo quần xộc xệch, đôi mắt nhìn thèm khát cái ăn trông tội nghiệp, đáng thương.
Ông Nguyễn Văn Thi, cán bộ xã Lam Cốt là người nhiều năm chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Luân khiến ông không khỏi trăn trở. Ông chia sẻ: Hoàn cảnh gia đình bà Luân bi đát cả làng ai cũng biết và thương xót, đặc biệt là 2 đứa trẻ.
Nhiều người hàng xóm cũng thỉnh thoảng cưu mang các cháu nhưng không thấm vào đâu bởi ở quê ai cũng nghèo cả. Thi thoảng có chút thức ăn, các cô, các bác lại mang cho bọn trẻ để chúng ăn cho đỡ tội vì phần nhiều là chịu cảnh đói.
Nói chuyện 1 lúc thì hai đứa trẻ lăn ra ngủ một cách hồn nhiên, mồ hôi lại nhễ nhại chảy dài trên gương mặt. Nhìn chúng, nét hồn nhiên, thơ ngây trong cái tồi tội của thân phận mồ côi.
Cuộc sống hiện tại của chúng vẫn là những bữa đói, bữa no mà lâu dần thành quen nên bà Luân không than phiền gì cả. Người lớn, đành rằng đã khổ, nhưng tội lũ trẻ con, chúng sinh ra trong cảnh nghèo nên phải chấp nhận việc đói ăn, thiếu mặc và đối diện với những tháng ngày mờ mịt tương lai.