Theo lời kể của mẹ bệnh nhi Đ.N.P (14 tuổi,Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu), vào khoảng giữa tháng 8, sau một buổi học, bé P trở về nhà và than đau đầu, mệt. Thấy con có biểu hiện sốt, ba mẹ bé đã mua thuốc tại quầy thuốc tây cho P uống nhưng 3 ngày không thuyên giảm. Bệnh nhi được nhập viện tại Bệnh viện Xuyên Mộc trong tình trạng sốt cao, chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue. Tại đây, bé nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc sốt xuất huyết và được chuyển đến Bệnh viện Bà Rịa khi đã nguy kịch, suy hô hấp, bệnh trở nặng với đầy đủ những biến chứng của sốt xuất huyết Dengue nặng, ở ngày thứ 5 của bệnh.
“Tại bệnh viện Bà Rịa, bé diễn tiến xấu, sốc nặng kèm suy hô hấp, tổn thương gan thận. Không lâu sau đó, bé rơi vào tình trạng xuất huyết tiêu hoá, rối loạn tri giác. Chúng tôi đã tiến hành điều trị tích cực bằng tất cả những phương tiện hiện có như truyền máu, truyền huyết tương tươi, tiểu cầu. Dù tình hình bé rất nguy kịch nhưng không thể chuyển bệnh lên tuyến trên vì nguy cơ tử vong trên đường đi là rất lớn. Chúng tôi đành phải hội chẩn liên tục với các đồng nghiệp ở Bệnh viện Nhi đồng 1 qua smartphone để tìm ra phương án khả thi, cứu sống bệnh nhi”, bác sĩ Phan Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh Bà Rịa cho biết.
Hiện sức khoẻ bệnh nhi đã khoẻ mạnh.
Hơn 10 ngày điều trị tại khoa hồi sức tích cực, Bệnh viện Bà Rịa, bé trai rơi vào tình trạng nhiễm trùng bệnh viện. “Kết quả cấy cho thấy vi khuẩn đa kháng thuốc, mạng sống của bé rất nguy kịch vì bệnh nhi đã tổn thương đa cơ quan, suy gan, suy thận. Áp lực càng đè nặng hơn trên vai các bác sĩ. Qua hội chẩn trực tuyến, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã hỗ trợ các bác sĩ khoa Hồi sức bệnh viện Bà Rịa thực hiện lọc máu liên tục để cải thiện chức năng thận và thay huyết tương để hỗ trợ chức năng gan . Khi tình trạng bé tạm ổn định thì được chuyển ngay đến bệnh viện Nhi Đồng 1. Lúc chuyển viện, trên người bé hơn 20 ống dây truyền dịch, máu..”, bác sĩ Phạm Văn Quang, trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết.
Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, bé P nhập viện trong tình trạng thở máy, vẫn tiếp tục suy gan, suy thận, suy ruột nặng, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu tán huyết. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực chống độc đã tích cực hồi sức cho bé: thở máy, thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền máu, dùng kháng sinh, kháng viêm, thuốc hỗ trợ gan. Sau 2,5 tháng điều trị tại bệnh viện Nhi Đồng 1, chức năng thận đã trở về bình thường, chức năng gan và ruột đang cải thiện tốt, bé đã tự thở, tỉnh táo, ăn uống được.
Sau hơn 2,5 tháng điều trị, bé trai đã chiến thắng tử thần.
Theo các bác sĩ, việc bé P hồi phục sau hơn 2,5 tháng điều trị là một thành công ngoạn mục của cả ê-kip 2 bệnh viện. Hiện tại, dù đã đến tháng 11 nhưng số lượng bệnh nhi nhập viện do sốt xuất huyết vẫn còn ở mức cao. Do đó, các bậc phụ huynh nên theo dõi sát sao và đưa con đến ngay các bệnh viện để thăm khám nếu bé sốt liên tục từ 3 ngày không thuyên giảm, tránh những biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng do bệnh.