Theo thông tin từ Tuổi Trẻ, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa ký ban hành kế hoạch tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình chung cư mini, nhà trọ trên địa bàn TP.
Thời gian bắt đầu thực hiện từ 15/9 đến trước ngày 30/10.
Hà Nội sẽ kiểm tra việc chấp hành pháp luật về đất đai, quy hoạch, xây dựng; kiểm tra các nội dung liên quan đến an toàn điện và công tác phòng cháy, chữa cháy.
Qua kiểm tra, TP sẽ hướng dẫn và khuyến cáo người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình bổ sung biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung vào các nội dung như:
Đảm bảo yêu cầu về ngăn cháy lan theo chiều ngang, chiều dọc công trình như đóng kín buồng thang bộ, ngăn cháy các khu vực có công năng khác nhau...
Đồng thời thường xuyên duy trì đường, lối thoát nạn đảm bảo thông thoáng, tạo lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lối thoát nạn khẩn cấp lên mái, lối thoát sang nhà bên cạnh, bổ sung thang dây thoát nạn trên mái.
"Đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy của hệ thống, thiết bị điện, quản lý sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, sạc điện xe máy điện, xe đạp điện, thắp hương thờ cúng.
Bố trí, sắp xếp vật dụng, phương tiện (ô tô, xe máy...), hàng hóa kinh doanh trong nhà đảm bảo gọn gàng, không cản trở lối thoát nạn, không gây cháy lan sang khu vực khác khi có sự cố" - kế hoạch nêu.
Hà Nội cho biết sẽ tổ chức lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ trực để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố ngay từ khi mới phát sinh.
Đồng thời, hướng dẫn trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ... phù hợp với quy mô tòa nhà.
Hà Nội khuyến cáo các hộ gia đình tự trang bị thiết bị phục vụ cứu nạn, cứu hộ, thoát nạn như thang dây hạ chậm, mặt nạ phòng độc, đèn pin, dụng cụ phá dỡ thông thường.
Theo UBND TP Hà Nội, việc tổng kiểm tra nhằm mục đích nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng; ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân trong thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy.
"Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, công khai, minh bạch, bảo đảm khách quan và tuân thủ theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ". Quá trình kiểm tra phải đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân" - kế hoạch thể hiện.
Yêu cầu các đơn vị báo cáo kết quả đợt tổng kiểm tra, rà soát về UBND TP trước ngày 2/11/2023.
"Những đơn vị, địa phương nào thực hiện không nghiêm túc, không đảm bảo tiến độ đề ra, để sót lọt cơ sở thuộc diện kiểm tra, rà soát thì thủ trưởng đơn vị, chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm trước UBND TP" - kế hoạch nêu rõ.
Về tình hình chung cư mini trên địa bàn TP.Hà Nội, dẫn tin từ Dân Trí, những năm gần đây, tại Hà Nội loại hình chung cư mini xuất hiện "nở rộ" tại các quận nội thành như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…
Với đặc điểm diện tích vừa phải, giá bán phù hợp túi tiền của các hộ gia đình trẻ, người lao động và có vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, làm việc, cho con học, có thời điểm, các căn hộ mini trở thành mặt hàng "nóng" được săn lùng. Tuy nhiên đây lại được xem là "vấn nạn" của các đô thị.
Nhiều chung cư mini ở Hà Nội được xây theo dạng nhà ống, một mặt tiền, một cửa ra vào và đây cũng được coi là lối thoát hiểm duy nhất.
Trong các khu nhà, vị trí tầng 1 luôn là nơi cất giữ xe máy, xe đạp điện, xe máy điện. Trong nhà, ngoài thang máy sẽ còn một cầu thang bộ được thiết kế vừa phải chỉ đủ cho 2-3 người tránh nhau. Đây cũng được xem là cầu thang thoát hiểm của tòa nhà.
Một số chung cư mini mà phóng viên khảo sát đều có trang bị bình chữa cháy, bảng nội quy PCCC. Tuy nhiên, khi được hỏi, không phải ai cũng biết cách vận hành các thiết bị này.
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Th. liên tục nhận được những cuộc điện thoại của người thân, bạn bè. Chị Th. sống tại một chung cư mini ở ngõ Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.
Nơi đây cách chung cư xảy ra vụ cháy thảm khốc cướp đi sinh mạng của 56 người đêm 12 rạng sáng 13/9 không xa.
"Tôi sống ở chung cư mini cao 9 tầng và cũng ở Khương Đình nên nhiều người hiểu nhầm rằng khu nhà tôi bị cháy, lo lắng hỏi thăm", chị Th. nói.
Những cuộc điện thoại liên tiếp của người thân cùng tin tức dồn dập trên mạng về vụ cháy ở ngõ bên cạnh khiến chị Th. bần thần cả buổi sáng.
Trên nhóm mạng xã hội, các cư dân khác trong khu chung cư của chị cũng xôn xao bàn tán.
Mọi người lập tức lên phương án họp bàn về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) của nơi mình ở.
"Nghe thông tin về vụ cháy, chúng tôi rất lo lắng và muốn chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó nếu không may xảy ra bất trắc. Con cái, tài sản của chúng tôi đều ở đây", chị Th. nói.
Người phụ nữ này cũng cho biết, căn hộ mini nơi vợ chồng chị cùng 2 con đang sống có diện tích 45m2. Chị mua căn hộ này với giá 700 triệu đồng khoảng 3 năm trước.
Thời điểm mua, vợ chồng chị cũng đã cân nhắc đến các vấn đề về an ninh, an toàn và PCCC.
Biết rằng các khu nhà này không được "chuẩn chỉ", rộng rãi như các khu chung cư nhưng vì đi lại thuận tiện, phù hợp với túi tiền nên hai vợ chồng chị vẫn quyết định mua.