Theo thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, sáng 19/12, sản phụ Lộc Thị Hường (sinh năm 1997, Nghệ An) đã được xuất viện sau 5 ngày sinh con.
Đây là trường hợp đầu tiên mẹ tròn con vuông trong số 14 ca đã được mổ can thiệp y học bào thai được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Với kỹ thuật này, các bác sĩ có thể đưa dụng cụ vào buồng ối để can thiệp, sau đó đóng lại chờ thai tiếp tục phát triển đến đủ tháng mới chào đời.
Được biết đây là lần mang thai thứ hai của chị Hường. Ở tuần thai thứ 12, chị khám thai tại Hưng Yên thì biết mình mang song thai, nhưng một thai đã chết lưu.
Điều khiến chị lo lắng là thai này ngày càng phát triển và to hơn thai còn lại. Khi đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám, chị Hường chết lặng khi được bác sĩ thông báo chị mắc hội chứng truyền máu song thai chung một bánh rau với biến chứng thai không tim. Đây là hội chứng nguy hiểm và hiếm gặp.
Theo BSCK I Nguyễn Thị Sim - Phó giám đốc Trung tâm Sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trường hợp của của chị Hường, hai bào thai chung nguồn dinh dưỡng, nhưng một thai chết lưu này vẫn có các mạch máu, tuần hoàn hoạt động bình thường. Vì thế, thai chết lưu “hút” dinh dưỡng từ thai đang phát triển và nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thai này.
Chị Hường khám lại trước khi xuất viện. Ảnh: T.H
Ở tuần 26 thai kỳ, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và thực hiện mổ can thiệp bào thai. Cuộc mổ nhằm cắt đứt hoàn toàn dinh dưỡng, nguồn sống của thai hỏng để cứu em bé đang phát triển trong bụng mẹ.
Sau mổ, sản phụ được ở lại viện để dưỡng thai để tránh sinh non. Quá trình giữ thai rất gian nan, phải dùng thuốc đắt tiền. Điều may mắn là đến tuần 33, thai phụ mới chuyển dạ và mổ lấy thai nhi nặng 1,2kg. Sau đó, các bác sĩ mới có thể mổ bắt khối thai không tim. Kích cỡ thai chết lưu lúc này đã to gấp đôi em bé vừa chào đời.
PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nhấn mạnh: “Trước đây, vấn đề sức khỏe bào thai phụ thuộc rất nhiều vào may rủi, khi sinh ra có nhiều bé bị tật nguyền hoặc thai chết lưu, để cứu chữa bắt buộc phải đợi sinh xong mới có thể can thiệp, khi đó đã có nhiều bệnh không thể cứu chữa vì quá muộn.
Tuy nhiên, y học bào thai hiện đại quan niệm thai nhi được coi như một bệnh nhân và phải điều trị khi có vấn đề bệnh lý. Kỹ thuật can thiệp sớm trong bào thai là kỹ thuật hiện đại nhất trong sản khoa hiện nay, có thể can thiệp được ở hầu hết cơ quan của bào thai, thậm chí cả não, tim, màng phổi sẽ mở ra hy vọng cứu sống hàng nghìn bào thai”.