Chiều 15/7, GS.BS Trần Đông A, tham vấn chuyên môn trong ca phẫu thuật tách rời cặp song sinh Trúc - Diệu cho hay, sức khoẻ các bé trong cuộc phẫu thuật sáng cùng ngày luôn ổn định, không có diễn biến bất ngờ so với dự tính trước khi phẫu thuật.
"Cho tới thời điểm này mọi diễn biến như dự tính, chỉ riêng đến phần đục xương thì phải truyền máu cho 2 bé. Hiện các bác sĩ sẽ tách hai bên khung chậu cho 2 cháu để khép khung chậu lại. Sau đó, các bác sĩ sẽ nối đường niệu và nối đường ruột", GS.BS Trần Đông A nói.
Chia sẻ về ca mổ tách cặp anh em song sinh 32 năm trước, GS.BS Trần Đông Anh cho biết, thời điểm năm 1988, khi đất nước đang khó khăn, vật chất y tế thiếu thốn, phải nhờ hỗ trợ từ nhân dân Nhật Bản nhưng ông vẫn tách rời thành công cho cặp song sinh tại Bệnh viện Việt - Đức.
Với trường hợp cặp sơ sinh dính liền Song Nhi, GS.BS Trần Đông A cho rằng có nhiều may mắn hơn khi ca phẫu thuật được thực hiện với trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ y bác sĩ đều do chính Việt Nam thực hiện.
GS.BS Trần Đông A chia sẻ với báo chí.
"Tham gia vào 2 ca mổ thuộc loại khó và hiếm, tôi chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của nền y tế Việt Nam về mọi mặt. Ngày hôm nay khác một trời một vực so với thời điểm thực hiện ca mổ vào năm 1988", GS.BS Trần Đông A nói.
GS.BS Trần Đông A nhận định tỷ lệ thành công trường hợp hai bé ít nhất trên 75%. "Nếu chúng tôi đóng được xương chậu lại, các cơ quan sẽ nằm đúng vị trí, thì các cháu rất có hi vọng sống, đứng đi lại được bình thường", GS.BS Trần Đông A nói.
Theo giáo sư, không có điều gì là chính xác tuyệt đối. Ca mổ chưa kết thúc thì chưa thể nói gì được, nhưng hiện tại mọi việc vẫn đi theo đúng kế hoạch.
32 năm trước, GS.BS Trần Đông A là trưởng ekip phẫu thuật ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt - Đức. Đây cũng là ca phẫu thuật tách rời cho cặp song sinh bị dính liền đầu tiên ở Việt Nam. Ca mổ đầu tiên đánh dấu lịch sử được thực hiện bởi hơn 70 y bác sỹ đầu ngành của cả nước.