Con người đang quay cuồng trước những biến động của trái đất. Cuộc sống xã hội ngày một lo toan, bộn bề khiến chúng ta bỏ quên biết bao điều thiêng liêng, cao cả. Bởi mải mê chạy theo những khát vọng của bản thân, giữ khư khư những quan điểm, triết lý sống mà bản thân tự cho là đúng mà không nhận ra rằng chúng ta cũng cần phải có những điểm tựa tinh thần, thứ giá trị bền vững và trường tồn có thể nâng đỡ ta trong suốt cuộc đời. Một trong những nguồn tình cảm sở hữu sức mạnh to lớn ấy chính là tình cha – tình mẹ.
Mới đây, một cô gái với nickname Phạm Ngọc đã đăng tải bài viết chạm tới trái tim của biết bao con người khi chia sẻ câu chuyện đầy xúc động về tình phụ tử giữa cô và người bố kính yêu của mình.
Cô viết: “Ngày nhỏ mình luôn có thái độ thù địch với bác Thuận (bố mình), tại bác suốt ngày rong chơi và uống rượu. Cô Lợi (mẹ mình) thì tay năm tay mười chèo lái cuộc đời, nuôi sống toàn bộ gia đình, bao gồm chồng, một số người em chồng, 2 đứa con hơi hư (là mình và em trai mình) suốt bao nhiêu năm. Thậm chí cho đến giờ vẫn không ngừng lo lắng chăm sóc cho tất cả dòng họ nội ngoại.
Ý lộn, bài này viết về bác Thuận, quay lại bác Thuận. Bác Thuận là người cha, người chồng nhất quán. Bác có triết lí sống của riêng bác, đó là “việc gì khó quá, bỏ”, “bây giờ là quan trọng nhất”. Bác bình thản lạc quan trước mọi nghịch cảnh của cuộc đời, bao gồm cả nghịch cảnh hôn nhân của con gái bác (là mình). Ngày ấy, bác tuyên bố “đó tất cả là lỗi của con, con không chịu trưởng thành”. Không sao, tuy mình cũng không còn thù địch với bác nữa, nhưng mình đã bỏ qua không quan tâm những lời bác nói. Tại lúc đó mình còn đang mải bận chứng tỏ bản thân với cuộc đời.
Cách đây vài năm, lúc cô Lợi bị ốm nằm viện, mình vào trông cô, đêm nằm cô tâm sự: “Bố mày nói đúng, mẹ khổ và phát ốm là vì chỉ lo chuyện bao đồng. Tao sống vì thân tao thì giờ tao đã không khổ không mệt thế này, biết thế đã nghe lời ông ý từ trước”. Mình lặng im không nói gì, vì mình cũng không nghe lời bác ấy từ rất nhiều năm rồi.
Như đã trình bày ở trên, bác Thuận luôn bình thản với cuộc đời. Và dù đã phê phán mình không trưởng thành, nhưng bác ấy đã luôn ở bên mình trong mọi hoàn cảnh, giúp đỡ mình không biết bao nhiêu việc từ sửa chữa tất cả các thể loại hỏng hóc trong nhà đến nấu nướng, trông dạy 2 cháu trai hơi hư (là 2 thằng con của mình), trồng cây, dạy mình tập yoga, hỗ trợ công việc của mình, ngoài ra bác còn luôn tự học rất siêu, bác học viết thư pháp, học đàn, học nấu ăn,…Chưa kể bác ấy luôn làm tất cả những việc trên với thái độ lạc quan chủ động thần sầu!
Mình biết ơn sự hiện diện của bác trong cuộc đời mình! Hôm nọ ngồi ăn cơm mình nói: “Con nghĩ con đã trưởng thành hơn đấy bố ạ!”. Bác cười hehe bảo: “Bố cũng đang trưởng thành cùng con!”. Mình cũng giả vờ cười hihi nhưng trong lòng tràn đầy sự xúc động và biết ơn. Không có bác Thuận (và cô Lợi) mình không biết sẽ xoay sở cuộc sống thế nào!
Và bây giờ, mình cũng sống theo cách sống của bác Thuận. Thuận theo tự nhiên, bình thản, an nhiên trước cuộc đời. Và đây là quãng thời gian mình thực sự sống và cảm nhận được sự hạnh phúc.
Mình xin được tuyên bố: Bác Thuận là lãnh tụ tinh thần của mình và gia đình! Mình chia sẻ mong các bạn còn bố bên cạnh, ngay bây giờ, lúc này, khi con Covid hoành hành năm châu, Tết đang kéo dài vô tận, thì quay về dành thời gian và chăm sóc bố (mẹ) của mình bằng toàn bộ sự biết ơn nhé ! Yêu thương!”
Đi kèm với bài viết là một loạt những hình ảnh về người bố đa tài và giàu tình thương của cô:
Thời điểm hiện tại, khi toàn thế giới đang hướng toàn bộ tinh thần lực, vật lực để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 thì bài viết này chính là niềm an ủi, một dòng nước mát gột rửa trái tim và tâm hồn để con người nhận ra những giá trị sống và những tình cảm thiêng liêng vẫn luôn tồn tại xung quanh chúng ta.
Bài viết của Phạm Ngọc với thông điệp kêu gọi, thúc đẩy những người con xa xứ, xa quê hay “xa lòng” với cha mẹ hãy biết quay đầu nhìn lại, trở về với mái nhà thân thương để cùng nhau đồi đắp tình cảm, kề vai sát cánh đẩy lùi dịch bệnh. Hãy biết trân trọng tình cảm gia đình và báo hiếu mẹ cha ngay khi còn có thể.