Trong ngày thi đấu 18/5 của đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, đấu vật, điền kinh, bơi lội tiếp tục thăng hoa mang về những tấm HCV cho đoàn thể thao nước nhà. Trong đó là điểm sáng cá nhân là những tấm HCV mang theo cảm xúc vỡ òa của hai cô gái Lò Thị Hoàng (môn ném lao) và Hồng Lệ (Điền kinh)
Cô gái dân tộc Thái ôm mẹ òa khóc khi phá kỉ lục SEA Games
Chiều 18/5, Lò Thị Hoàng – cô gái người dân tộc Thái quê Sơn La đã xuất sắc mang về tấm HCV ở nội dung ném lao. Điều tuyệt với hơn khi nữ VĐV này đã phá kỷ lục SEA Games trong sự bất ngờ của nhiều người hâm mộ.
Tại nội dung ném lao nữ, Hoàng giành tấm HCV, phá kỷ lục SEA Games với thành tích 56m37. Kỷ lục cũ do VĐV Thái Lan thiết lập tại SEA Games 2007 với thành tích 55m97.
Sau khi phá kỉ lục SEA Games ở nội dung ném lao, nữ tuyển thủ trẻ này đã bật khóc nức nở. Cầm lá cờ tổ quốc trên tay, cô gái người dân tộc Thái đã chạy quanh sân vận động ăn mừng đầy cảm xúc với người thân.
Tiếp đó, cô hướng về khán đài nơi cả gia đình đang đứng chờ rồi chạy một mạch ôm lấy mẹ, oà khóc trong niềm vui sướng.
Tại nội dung ném lao nữ có 5 tuyển thủ tranh tài, trong đó đương kim vô địch SEA Games Natta Nachan (Thái Lan) rất mạnh.
Nhưng không vì thế mà tinh thần cô gái người dân tộc Thái đi xuống. Tại lượt ném thứ 5, cô đã phóng ngọn lao xa đến 56,37m – thành tích này cao nhất trong tất cả các tuyển thủ tham dự và vượt kỷ lục SEA Games 55,97 được thiết lập từ đại hội năm 2007 đến nay.
"2 VĐV đối thủ của Thái Lan rất mạnh, họ đã đoạt HCV ở kỳ SEA Games trước và mấy kỳ SEA Games mình toàn thua Thái Lan thôi nên tôi rất bất ngờ với thành tích này của bản thân mình.
Thời gian trước SEA Games, tôi bị chấn thương, thành tích yếu, lại dịch COVID-19 nên không được tham dự giải, không có giải trong nước nên không kiểm tra được thành tích của mình. Thật may khi đó thầy cô và gia đình luôn bên cạnh động viên tôi", Hoàng xúc động.
Trong ngày "mưa vàng" của đoàn thể thao Việt Nam, giây phút Lò Thị Hoàng lao lên khán đài tìm cha mẹ mình từ Sơn La xuống mừng thành tích của con gái. Khoảnh khắc hai mẹ con ôm nhau đầy xúc động và khiến tất cả những người có mặt ngập tràn cảm xúc.
Tấm HCV đối với Hoàng nó được xem như thành công lịch sử của bản thân cô gái người dân tộc Thái. Đưa tay lau vội nước mắt, Hoàng nói: "Tấm HCV này xin tặng bố mẹ tôi. Với tôi, mẹ đóng vai trò mà tôi không thể kể hết. Những lúc mệt mỏi, không tập luyện được, áp lực nhiều cái quá thì tôi lại gọi về và đáp lại, mẹ cho tôi những lời khuyên, những lời động viên.
Vì chúng tôi là người dân tộc, hiếm người được đi học và do đó bố mẹ tôi luôn dặn con làm gì cũng phải cố gắng. Hôm nay, bố mẹ từ quê xuống, có mặt trên khán đài xem tôi thi đấu đó là động lực lớn đối với tôi".
Chứng kiến các đồng đội ở đội tuyển điền kinh Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công những ngày thi đấu trước, VĐV 25 tuổi không khỏi bị áp lực. Hoàng chia sẻ, khi phải đợi đến những ngày thi cuối mới được thi đấu khiến cô gặp đôi chút áp lực.
"Tối hôm trước và chiều nay tôi cũng rất khó ngủ, không thể chợp mắt được. May mắn thi đấu, tôi đã mang về tấm HCV cho đoàn thể thao Việt Nam.
Hôm nay thật bất ngờ và may mắn khi tôi đã đánh bại được các VĐV của Thái Lan. 3 năm trước tôi có HCB và đứng sau VĐV của họ. Tháng 7 này là tròn 10 năm tôi theo nghiệp thể thao, nhiều vất vả và chấn thương đã đến nhưng tôi đã vượt qua được".
Tưởng chừng bỏ lỡ SEA Games, "cô gái vàng" điền kinh vượt chấn thương đoạt luôn HCV
Chiều cùng ngày, ở một góc khác sân vận động Mỹ Đình, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ giành HCV thứ 18 cho điền kinh Việt Nam ở nội dung chạy 10.000m nữ, nội dung vốn được xem là khắc nghiệt nhất đối với các vận động viên.
Tấm HCV mà Hồng Lệ giành được đóng góp vào thành tích 18 HCV cho điền kinh Việt Nam sau 5 ngày tranh tài. Đáng nói hơn, đây là tấm HCV cá nhân đầu tiên của nữ vận động viên quê Bình Định sau 3 lần tham dự SEA Games.
Chia sẻ sau khi xuất sắc giành tấm HCV, Hồng Lệ nói: "Tôi rất vui và xúc động khi giành HCV bởi trước khi đến với SEA Games lần này tôi gặp chấn thương rất lâu khi đang trong quá trình chuẩn bị cho nội dung 10.000 m. Thời gian chuẩn bị cho chuyên môn của tôi chỉ khoảng một tháng.
Tôi đã rất lo sợ, không biết mình có đủ khả năng để thi đấu hay không. Tuy nhiên, thầy và mọi người đã động viên, tin tưởng để tôi có thể hoàn thành, giành HCV hôm nay".
Khi được hỏi về quyết định chỉ tham dự nội dung 10.000 m tại SEA Games 31, Hồng Lệ cho biết: "Khi giải vô địch quốc gia tổ chức không có cự ly marathon, tôi chuyển xuống thi đấu nội dung 10.000 m và phá kỷ lục.
Với thành tích đó, huấn luyện viên hướng tôi sang thi đấu 10.000 m ở SEA Games. Bên cạnh đó, lịch thi đấu hai nội dung này tại SEA Games khá sát nhau, vì vậy, tôi chỉ có thể lựa chọn một".
Theo lịch thi đấu, nội dung 10.000 m nữ diễn ra trong chiều 18/5, còn marathon bắt đầu lúc 5h ngày 19/5. Vì vậy, Hồng Lệ khó đủ sức để tham dự cả hai nội dung. Tại SEA Games 30, Hồng Lệ được biết đến với hình ảnh phải truyền nước sau khi giành tấm HCĐ marathon.
"Những gì diễn ra hôm nay cho thấy tôi đã vượt qua chấn thương để có được thành tích như hôm nay. Từ năm 2019 tôi đã mơ mình được HCV một cự ly nào đó nhưng vì thời tiết và chấn thương không phục hồi nên năm đó tôi đã không có thành tích tốt nhất.
Ở SEA Games lần này, tôi phải quyết tâm thi đấu không chỉ vì mình mà còn vì danh dự, vì quê hương đất nước, nhiều người đang trông đợi tôi", Hồng Lệ chia sẻ.