Anh N.V.H. - phụ huynh có con học lớp 6 Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp, TP.HCM) - cho biết đầu năm học 2022-2023 anh bất ngờ khi nghe giáo viên chủ nhiệm của con thông báo học sinh phải có mặt tại trường lúc 6h45 để đúng 7h học tiết đầu tiên trong ngày.
"Tôi không hiểu trường xếp lịch vào học sớm như vậy để làm gì trong khi buổi chiều mới 16h15 đã ra về. Giờ đó phụ huynh chưa tan sở, làm sao đi đón con? Chưa kể buổi sáng các cháu phải dậy sớm, rất tội nghiệp. Như con nhà tôi phải dậy từ 5h45 để vệ sinh cá nhân rồi ăn sáng cho kịp đến trường".
Nỗi niềm phụ huynh
Tương tự, anh C. - phụ huynh có hai con học lớp 6 và lớp 9 Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1 - thắc mắc: "Bé lớp 9 nhà tôi 6h45 phải có mặt ở trường, quá sớm! Tại sao trường không bố trí để học sinh bắt đầu giờ học từ 7h45? Nếu như vậy phụ huynh rất thuận tiện trong việc đưa đón con em, học sinh cũng không phải chịu áp lực khi phải dậy sớm và đi học sớm.
Con tôi năm nay học lớp cuối cấp nên các buổi tối cháu đều học thêm, sau giờ học thêm mới về nhà chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Do đó, sớm nhất thì 0h cháu mới được đi ngủ. Vậy mà sáng hôm sau 6h đã phải dậy, tính ra mỗi đêm cháu chỉ ngủ được 5-6 tiếng. Có bữa, cháu còn tâm sự với mẹ là những tiết đầu của buổi sáng con khó tập trung vì buồn ngủ quá, chỉ muốn gục xuống bàn để ngủ".
Không chỉ có bậc THCS, phóng viên Tuổi Trẻ cũng nhận được phản ảnh của nhiều phụ huynh có con học tiểu học ở quận Phú Nhuận. Họ cho rằng hiện nay các trường tiểu học ấn định giờ vào học quá sớm, có trường yêu cầu học sinh 6h45 có mặt tại trường để 7h vào học. Có trường cho học sinh vào học lúc 7h15, tức là 7h học sinh phải có mặt.
Chị L. - phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Đình Chính, quận Phú Nhuận - tâm sự: "Con tôi rất sợ đi học trễ. Vì đi học trễ bé sẽ bị cô giáo la, trừ điểm thi đua... Nhưng khổ nỗi đường đi buổi sáng thường xuyên kẹt xe. Bởi vậy nên con tôi không dám ăn sáng ở nhà vì sợ trễ học. Thường thì giờ ra chơi cháu mới ăn sáng.
Trong khi đó, những lớp bán trú mới 10h30 đã kết thúc giờ học buổi sáng và nhà trường cho học sinh ăn trưa. Đây là sự bất cập lớn vì lúc đó học sinh chưa đói, làm sao ăn trưa ngon miệng. Chưa kể việc cho học sinh ngủ trưa sớm quá thì nhiều bé khó ngủ - như con tôi - thường xuyên bị cô bảo mẫu nhắc nhở vì không chịu ngủ trưa".
Chị M. - phụ huynh Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ - còn kể trước đây, Trường tiểu học Đặng Văn Ngữ quy định 6h45 học sinh phải có mặt ở trường. Năm nay, trường đổi mới theo hướng tiến bộ hơn với thời gian vô học trễ hơn năm trước 15 phút, tức 7h học sinh mới phải có mặt ở trường.
"Tại sao trường không ấn định 7h30 vô học cho thuận tiện, học sinh sẽ được ngủ thêm ít nhất 30 phút và có thời gian ăn sáng ở nhà? Vì các cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ, mặc dù tối hôm trước ba mẹ bắt con đi ngủ trước 22h thì sáng hôm sau gọi mỏi miệng con vẫn không chui ra khỏi giường được. Nhất là thời điểm tháng 10, 11, 12 - thời tiết ở TP.HCM mát mẻ, ban đêm và buổi sáng hơi lạnh nên các cháu ngủ rất ngon.
Thế mà cứ 5h30 tôi phải đánh thức con dậy. Giờ vào học giãn ra thêm sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Vì tôi được biết cô giáo của con tôi nhà cũng ở xa trường, cô phải ra khỏi nhà từ 6h sáng để đi dạy" - chị M. nói.
Vì sao phải học sớm?
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, cô Trương Thị Đẹp - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du - thông tin nhà trường thực hiện dạy tiết 1 từ 7h sáng đã nhiều năm nay với nhiều lý do như: thời điểm đó ít bị kẹt xe, thuận tiện cho những phụ huynh phải vào sở làm lúc 7h15 hoặc 7h30. Tuy nhiên, những em đi học trễ trường vẫn mở cổng cho học sinh vào lớp học.
Về việc học sinh phải có mặt tại trường lúc 6h45, cô Đẹp cho hay học sinh sẽ tập trung tại sân trường chứ không lên lớp ngay khi vào trường. Khi có tiếng trống báo hiệu giờ vào lớp, học sinh mới xếp hàng lên lớp của mình. Lúc ấy lớp học mới mở và giáo viên cũng sẽ vào lớp.
"Cách làm này nhằm tránh những trường hợp không hay xảy ra khi học sinh THCS đang có sự tò mò về giới tính cũng như tránh mất mát tài sản trong lớp khi giáo viên không có mặt. Về việc xếp thời khóa biểu sáng bốn tiết, chiều bốn tiết và học sinh nghỉ trưa quá sớm, chúng tôi đang cân nhắc để xếp lại theo hướng sáng năm tiết, chiều ba tiết để học sinh được ra về sớm hơn", cô Đẹp nói.
Còn ở Trường THCS Võ Trường Toản, quận 1, cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - hiệu trưởng nhà trường - giải thích: "Trường THCS Võ Trường Toản nằm trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Chỉ một đoạn đường ngắn vài kilômet trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến đường Nguyễn Hữu Cảnh) có đến năm ngôi trường từ mầm non đến THPT.
Do vậy, chúng tôi bắt buộc phải bố trí lệch giờ cho thời gian học sinh vào học, học sinh ra về. Như năm nay, học sinh khối 7, 9 có mặt ở trường lúc 6h45 để bắt đầu học từ tiết 1 lúc 7h, học sinh khối 6, 8 có mặt ở trường lúc 7h30 để bắt đầu học từ tiết 2 lúc 7h45, tránh kẹt xe và tình trạng ùn tắc trước cổng trường".
Nhiều trường đã điều chỉnh giờ học
Theo ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ, ngoại trừ các trường tư thục, trường quốc tế ấn định giờ vào học là 8h hoặc 8h30 thì hiện nay nhiều trường công lập trên địa bàn TP.HCM cũng đã đổi mới, ấn định giờ vào học là 7h30 như Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Trường tiểu học Trần Quốc Tuấn (quận Tân Bình), Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú), Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình)...
Nghỉ trưa đến 3 tiếng
Tôi xem thời khóa biểu của con thì thấy 6h45 cháu phải có mặt ở trường nhưng có đến 3/5 buổi trong tuần chỉ học đến 10h30 là nghỉ trưa. Buổi chiều thì 13h30 mới học. Vậy là các học sinh được nghỉ trưa đến 3 tiếng. Nếu ấn định thời gian vào học trễ hơn và giảm thời gian nghỉ trưa thì sẽ phù hợp hơn (phụ huynh N.V.H.).
* Bác sĩ Trương Hữu Khanh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM):
Không phù hợp chu kỳ sinh học của cơ thể
Việc trẻ phải đi học quá sớm lâu ngày sẽ dẫn đến việc các em bị thiếu ngủ do không ngủ đủ giấc. Một số trường cho trẻ ăn trưa quá sớm (10h30) là không phù hợp với chu kỳ sinh học của cơ thể học sinh.
Thời gian ăn trưa nên tổ chức sau 11h, tốt nhất là sau 11h30. Đó là chưa kể khoảng thời gian từ 10h30-11h30 là khoảng thời gian trẻ vẫn còn hưng phấn, sẽ rất tốt nếu các em được tìm hiểu, tiếp thu kiến thức hoặc tham gia hoạt động trải nghiệm... Thời gian này chúng ta cho trẻ nghỉ ngơi thì rất "phí". Tức là các trường yêu cầu học sinh phải đi học sớm sẽ dẫn đến các hệ lụy như: những tiết đầu buổi sáng các em học không hiệu quả do còn ngái ngủ, đến buổi trưa khi não còn đang hoạt động tốt thì lại bắt phải nghỉ.
Thế nên, khi đặt ra một quy định nào đó, chúng ta hãy đưa lợi ích của trẻ lên hàng đầu. Như tình hình hiện nay thì giờ vào học sớm nhất nên là 7h30. Đừng vì lý do kẹt xe hay phụ huynh trễ giờ làm mà đặt ra những quy định gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của trẻ.