Chia sẻ với VnExpress, ông Cường cho biết các nghiên cứu trên thế giới, đặc biệt ở Trung Quốc, cho thấy phụ nữ mang thai hoặc không mang thai đều có nguy cơ nhiễm virus như nhau. Song, phụ nữ mang thai khi nhiễm dễ bị diến tiến nặng bởi một số lý do.
Khi thai nghén, hệ miễn dịch của người mẹ suy giảm, là yếu tố nguy cơ khiến cơ thể khó chống đỡ virus. Lúc mang thai, tử cung to đẩy cơ hoành lên cao khiến dung tích phổi giảm xuống, làm cản trở hô hấp, trong khi nhu cầu oxy của phụ nữ mang bầu lớn hơn bình thường rất nhiều để nuôi em bé. Thai nghén có tình trạng giữ nước trong cơ thể nên có hiện tượng phù, đặc biệt phù niêm mạc đường hô hấp trên, dẫn đến tổn thương đường hô hấp trên.
"Những lý do trên khiến phụ nữ mang thai khi mắc Covid-19 rất dễ diễn biến xấu, trở nặng rất cao, chưa kể nếu họ có bệnh nền như lớn tuổi (trên 35 tuổi), béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mãn tính ở phổi... Bản thân những bệnh nền này cũng có thể làm thai nghén có biến chứng, chưa kể bị nhiễm nCoV", ông Cường nói.
Khi bệnh chuyển nặng, thai phụ buộc phải nằm ở trung tâm hồi sức, thậm chí phải can thiệp y khoa như thở máy, ECMO, thậm chí nguy cơ tử vong cao cả mẹ và con.
Ông Cường đánh giá chăm sóc phụ nữ mang thai khi mắc Covid-19 ở thể nặng rất khó khăn "vì một bệnh nhân nhưng hai tính mạng". Thai nhi sống nhờ hô hấp của người mẹ, mẹ suy hô hấp sẽ gây suy thai rất lớn, nếu suy hô hấp phải mổ lấy thai ngay. Nguy cơ sinh con non tháng cũng cao gấp ba lần nếu nhiễm nCoV.
"Chủ động phòng bệnh với nhóm này là rất cần thiết, tiêm vaccine là cách bảo vệ cả mẹ và bé", ông Cường khuyên
Một số nước trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho phụ nữ mang thai từ giữa năm ngoái. Tại Việt Nam, Bộ Y tế vừa có quyết định những phụ nữ mang thai trên 13 tuần và cho con bú vẫn được tiêm vaccine (nếu có cam kết), không áp dụng với vaccine Sputnik V.
Tuy nhiên, nhiều thai phụ tỏ ra lo lắng rằng "tiêm vaccine liệu có khiến virus xâm nhập, ảnh hưởng đến thai nhi không? Virus này có truyền sang và lây bệnh cho em bé không?". Với nCoV, trong các nghiên cứu trên thế giới, sau khi sinh, chuyên gia lấy nước ối, lấy máu tĩnh mạch rốn, lấy dịch họng người mẹ, phân tích rau thai... đều không phát có virus trong đó. Hay nói cách khác, người mẹ có virus trong hầu họng hay nhiễm virus nhưng trong rau thai, dây rốn không có. Điều này chứng tỏ nCoV không ở trong buồng ối hay em bé.
"Vì vậy, giả sử người mẹ có nhiễm hay có tiêm vaccine thì em bé cũng không bị nhiễm nCoV. Đặc biệt vaccine tiêm cho phụ nữ có thai hiện nay có hai loại là vector và mARN. Cả hai loại này đều không phải vaccine sống, nên khẳng định khi tiêm không có nCoV vào em bé, rất an toàn", ông Cường giải thích.
Phụ nữ mang thai tiêm vaccine sẽ sinh ra kháng thể. Kháng thể này có khả năng qua rau thai, giúp bảo vệ em bé trong những tháng đầu sau sinh, khỏi bị nhiễm virus bởi tác động xung quanh.
Ông Cường cho biết, theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có vaccine Sputnik V mới chống chỉ định cho phụ nữ mang thai. Vì vậy, những vaccine còn lại đều được sử dụng để tiêm.
"Chúng ta không nên so sánh các loại vaccine. Hiệu quả là phòng tránh nguy cơ mắc bệnh, giảm bệnh nặng phải thở máy, giảm tử vong... thì các loại vaccine đó đều như nhau. Đừng chờ đợi hay lựa chọn, hãy tiêm khi có cơ hội vì đây là các vaccine được sử dụng trên thế giới và Việt Nam", ông Cường khuyên.
Ông Cường khuyến cáo, cũng giống như những người bình, phụ nữ mang thai cần được sàng lọc kỹ trước tiêm. Tuy nhiên, ông mẹ bầu cần khám thai để biết tình trạng của mình và em bé trước khi tiêm. Ví dụ, những phụ nữ có nguy cơ tiền sản giật, bong rau non,... hay có nguy cơ gặp các tai biến sản khoa thì nên trì hoãn tiêm. Bởi những nguy cơ này cần thiết phải xử trí, can thiệp ngay.
Với phụ nữ mắc bệnh nền vẫn có thể tiêm, xong phải tầm soát kỹ hơn và tuân thủ theo chỉ định của các y bác sĩ.
Phòng ngừa cho phụ nữ mang thai nhiễm nCoV không chuyển nặng thật sự cần thiết, trong đó tiêm vaccine là giải pháp hữu hiệu. Ông Cường đánh giá quyết định này của Bộ Y tế là "đúng đắn, có cơ sở khoa học, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con", trước bối cảnh số ca nhiễm đang xu hướng tăng cao, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai mắc bệnh.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương sẽ có kế hoạch và sẵn sàng tiêm cho phụ nữ có thai khi được Bộ Y tế yêu cầu.