Có nên quấn trẻ sơ sinh khi ngủ là câu hỏi mà những người mới làm cha mẹ hay tìm hiểu. Bố mẹ vẫn thường học cách quấn trẻ sơ khi ngủ từ các y tá trong bệnh viện, dùng một khăn ôm sát quanh cơ thể bé. Nếu bố mẹ quấn khăn cho bé đúng cách, nó là một cách hiệu quả giúp bé dịu cảm xúc, dễ vào giấc ngủ và ngủ không bị giật mình.
Có nên quấn khăn cho trẻ sơ sinh khi ngủ?
Hầu như tại các bệnh viện, bố mẹ thường được các y tá dạy cách quấn trẻ khi ngủ. Dạy cách trải chăn xuống và cách quấn các mép bao quanh em bé như một tổ kén giúp trấn an bé sơ sinh đang cáu kỉnh cũng như ngủ giấc sâu hơn.
Thực sự quấn khăn đã là một phần của việc chăm sóc trẻ sơ sinh trong nhiều thế kỷ. Nó giúp em bé có cảm giác như đang trở lại trong bụng mẹ hoặc giống như đang được ôm sát vào lòng, giúp nhiều trẻ ngủ ngon hơn. Một số trẻ khó nằm ngửa khi ngủ vì dễ giật mình tỉnh giấc bởi phản xạ Moro; khi được quấn, điều đó ít xảy ra hơn. Đặc biệt hữu ích đối với trẻ sơ sinh có vấn đề về thần kinh bẩm sinh.
Quấn khăn cho trẻ sơ sinh ở những tháng đầu giúp giữ trẻ nằm ngửa khó bị lật úp, cũng giúp giảm khả năng đột tử khi ngủ ở trẻ.
Việc quấn khăn này cũng giúp bố mẹ bế ẵm bé cho ngủ và bú dễ dàng hơn, nhất là với bố mẹ trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc trẻ sơ sinh.
Nhưng có những mặt trái của việc quấn trẻ sơ sinh khi ngủ.
Bởi vì giữ chặt hai chân bé duỗi thẳng gần nhau, quấn khăn này có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hông, trật khớp háng hoặc loạn sản xương hông, một sự hình thành bất thường của khớp háng trong đó đầu xương đùi không được giữ chắc trong hốc hông.
Và nếu quấn trẻ sơ sinh không đúng cách, nó có thể làm tăng nguy cơ ngạt thở cho trẻ.
Một cảnh báo khác về việc quấn khăn từ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics, cho thấy rằng khi trẻ được quấn khăn khi ngủ ở tư thế nằm nghiêng hoặc ôm bụng, nguy cơ mắc SIDS (đột tử trong lúc ngủ) tăng lên rất nhiều. Đối với những trẻ quấn ở tư thế ôm bụng, đặc biệt là trẻ sơ sinh hơn 6 tháng tuổi, nguy cơ tăng gấp đôi. Lý giải do trẻ hơn 6 tháng có nhiều hoạt động lăn, lật hơn, khi bị lật úp lúc quấn khiến bé khó trở mình và bị ngạt thở.
Hơn nữa, việc quấn khăn khiến nhiệt độ không thoát ra được, bé dễ bị ra mồ hôi do nóng quá. Trong nhiều trường hợp dẫn đến bị cảm lạnh hoặc viêm phổi.
Bên cạnh đó, việc quấn khăn có thể làm giảm cảm giác hứng thú của em bé với mọi thứ xung quanh và cũng khó đánh thức em bé dậy hơn. Mặc dù đó là lý do tại sao các bậc cha mẹ thích quấn bé sơ sinh khi ngủ - trẻ ngủ lâu hơn và không dễ bị thức giấc. Nhưng việc giảm kích thích ở trẻ là một vấn đề cần lưu tâm và có thể là một trong những lý do chính khiến trẻ sơ sinh chết vì SIDS.
Lời khuyên có nên quấn trẻ sơ sinh khi ngủ hay không?
Bản thân trẻ sơ sinh không bắt buộc phải quấn khăn khi ngủ. Nếu em bé của bạn hạnh phúc, vui vẻ, dễ ngủ mà không cần quấn khăn thì bạn không cần phải áp dụng hay bận tâm về điều đó.
Còn theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ thì việc quấn bé sơ sinh khi ngủ giúp hệ thần kinh bé được bình tĩnh hơn, giúp trấn an, xoa dịu em bé của bạn, không để bé bị bất ngờ với những âm thanh ồn ào khác lạ.
Do bản thân mỗi bé là một cá thể khác biệt, không bé nào giống bé nào nên câu hỏi Có nên quấn bé sơ sinh khi ngủ sẽ không phải tuyệt đối là nên hay không nên. Bạn hãy căn cứ vào sự phát triển của bé, quan sát phản ứng của bé để đưa quyết định.
Nếu định quấn trẻ sơ sinh khi ngủ tại nhà, bạn cần tuân thủ một số hướng dẫn để đảm bảo rằng đang thực hiện một cách an toàn như sau:
- Luôn đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ, đặc biệt nếu bé đang được quấn khăn.
- Khi quấn, em bé được an toàn nhất trong nôi hoặc cũi của riêng mình, không phải trên giường bố mẹ.
- Việc quấn khăn có thể làm tăng khả năng bé bị quá nóng, vì vậy không mặc nhiều quần áo, tránh để bé bị nóng với các biểu hiện như đổ mồ hôi, tóc ẩm ướt, má ửng hồng, phát ban nhiệt và thở nhanh.
- Để hông phát triển khỏe mạnh, chân của trẻ sơ sinh cần hoạt động co lên và duỗi ra ở hông. Quấn khăn chặt trong thời gian ngắn có thể mang lại nhiều lợi ích ổn định tinh thần cho bé nhưng lại không tốt khi con bạn phải quấn cả ngày lẫn đêm trong thời gian liên tục. Nếu phải quấn nhiều bố mẹ hãy cân nhắc sử dụng bao quấn, cho phép chân, hông di chuyển thoải mái hơn, an toàn hơn cho hông.
Có nên quấn bé khi ngủ khi bé đã lớn hơn? Khi nào dừng quấn khăn cho bé?
Việc quấn trẻ sơ sinh khi ngủ chỉ nên thực hiện trong thời gian nhất định. Cha mẹ nên ngừng quấn khăn ngay khi bé có bất kỳ dấu hiệu cố gắng lật người. Nhiều em bé bắt đầu tập lăn khi được khoảng 2 tháng tuổi. Việc quấn khăn sẽ hạn chế hoạt động của bé cũng như dễ khiến bé bị lật úp sấp không trở mình lại được, có nguy cơ khiến bé khó thở và có thể bị đột tử.
Đối với trẻ sơ sinh nên quấn khăn khi ngủ đến khi bé được khoảng hai, ba tháng tuổi, sau đó nên loại bỏ dần việc quấn khăn vì trẻ hoạt động và lăn lộn nhiều hơn.
Hơn nữa, khi lớn hơn, nếu đã hình thành thói quen phải quấn khi đi ngủ, lúc bỏ quấn sẽ gây khủng hoảng cho bé.
Một số cách để dỗ trẻ ngủ sau khi bạn đã giảm/ngừng quấn khăn:
- Trong những ngày đầu, khi bé ngủ rồi mẹ hãy để một cánh tay bé bên ngoài, theo dõi nếu ổn mẹ sẽ bỏ một tay bé khi quấn, rồi tiến đến để cả hai tay bé tự do khi bé đã quen. Cuối cùng là bỏ khăn quấn hoàn toàn.
- Sử dụng núm vú giả giảm căng thẳng, lo âu cho bé.
- Tạo không khí thư giãn, yên tĩnh trước khi đi ngủ.
- Giữ một lịch ngủ đều đặn.
- Bật âm thanh trắng để át đi bất kỳ âm thanh nào có thể làm em bé giật mình tỉnh giấc.
- Duy trì nhiệt độ phòng thích hợp (không quá lạnh và không quá ấm).
Hướng dẫn quấn khăn cho trẻ sơ sinh khi ngủ đúng cách
Tham khảo cách quấn bé sơ sinh khi ngủ đúng cách như sau:
- Để quấn khăn, hãy trải tấm chăn trên mặt phẳng, gập một góc xuống.
- Đặt trẻ lên chăn, đầu ở trên góc gấp.
- Duỗi thẳng cánh tay trái bé, quấn góc bên trái của tấm chăn qua ngực bé, nhét nó giữa cánh tay phải và luồn qua đặt sau lưng bé.
- Gấp hoặc xoắn phần dưới của chăn bao kín chân bé.
- Sau đó kéo cánh tay phải xuống và gấp góc bên phải của tấm chăn bao quanh bé và kéo sang bên trái và cố định ở sau lưng bé.
Lưu ý:
- Không để khăn quấn che miệng và mũi bé.
- Đảm bảo rằng hông bé có thể cử động và chăn không quá chặt. Mẹo kiểm tra xem có quấn chăn chật không là khi quấn xong bạn có thể nhét được 2-3 ngón tay giữa ngực em và khăn quấn là hợp lý.
Thắc mắc có nên quấn khăn cho trẻ sơ sinh khi ngủ hi vọng sau bài viết này các bạn đã có câu trả lời của riêng mình. Nhìn chung đó là một cách chăm sóc trẻ phổ biến và lâu đời, có những tác dụng tích cực với bé nhất định. Hãy đảm bảo rằng bạn biết cách quấn, tham khảo những lời khuyên trong bài viết và từ các y tá bác sĩ để chăm sóc bé yêu tốt nhất.
Chúc bé yêu và bạn luôn khỏe mạnh, luôn có thật nhiều niềm vui, thêm nhiều kiến thức sức khỏe hữu ích mỗi ngày.