Sau khi giá xăng trong nước giảm mạnh 3.600 đồng/lít vào ngày hôm qua (21-7), giá xăng nhập tiếp tục giảm. Theo Bộ Công thương, giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore đã rớt từ 118 USD/thùng xuống còn 116 USD/thùng.
Mức giá này tương đương với giá ngày 28-2, thời điểm giá xăng chạm mức 26.287 đồng/lít. Tuy nhiên thời điểm này, giá xăng chưa được giảm thuế bảo vệ môi trường là 3.3000 đồng/lít. Do vậy, nếu tính điều kiện này vào thì giá xăng chỉ còn 22.987 đồng/lít.
Phiên giao dịch hôm nay (22-7), giá dầu thô toàn cầu tiếp tục giảm nhẹ. Thậm chí, dầu WTI chỉ còn 96 USD/thùng. Nguyên nhân giá dầu giảm là do Ngân hàng trung ương châu Âu vừa mới tăng mạnh lãi suất lên 0,5%. Lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm đi đã khiến nhu cầu dầu giảm.
Nguồn cung dầu từ Libya mở trở lại, cùng với đó việc Nga nối lại dòng khí đốt sang châu Âu đã làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung.
Với việc giá xăng RON 95 hiện giảm chỉ còn 26.070 đồng vào kỳ điều chỉnh 21-7 cho thấy nỗ lực rất lớn của các cơ quan quản lý nhà nước và tạo tín hiệu vui tác động tích cực cho nền kinh tế.
Giá xăng giảm mạnh giúp giảm áp lực lạm phát, tác động trực tiếp, tích cực đến các ngành hàng tiêu thụ nhiều nhiên liệu thường chiếm từ 30 - 40% chi phí của các doanh nghiệp như vận tải, hàng không, logistics, đánh bắt xa bờ.
Vào ngày 1-7, giá xăng giảm 110 đồng đưa giá xăng xuống còn 32.763 đồng. Đây là lần giảm đầu tiên sau 7 lần tăng giá xăng liên tục. Đến 15-7, giá xăng giảm 3.088 đồng nhờ phần lớn vào việc giảm thuế bảo vệ môi trường 2.200 đồng đưa giá xăng dưới mức 30.000 đồng được thiết lập một thời gian dài.
Đến kỳ điều chỉnh ngày 21-7, giá xăng tiếp tục giảm 3.600 đồng, đưa giá xăng chạm mức 26.070 đồng.
Lần giảm này do giá dầu thô toàn cầu rớt mạnh, có lúc ở dưới vùng giá 100 USD/thùng. Điều này đã giúp giá xăng A95 nhập từ Singapore liên tục lao dốc, duy trì mức giá từ 24.000-26.000 đồng trong thời gian dài.
Như vậy, tính từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng đã giảm tổng cộng 6.798 đồng.