Ca phẫu thuật cho bé gái người Lào tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An. Ảnh: BVCC.
Theo lời kể của gia đình bệnh nhân người Lào, trong quá trình mang thai, sản phụ không được khám tiền sản, dẫn đến việc không phát hiện sớm dị tật trong thời kỳ bào thai. Ngày 25/7, em bé chào đời sau ca sinh thường tại nhà.
Sau sinh, bé có dấu hiệu nôn trớ sau mỗi lần bú, nhưng gia đình không nhận ra dấu hiệu nguy hiểm của trẻ. Đến ngày thứ 17 sau sinh, gia đình mới đưa con tới bệnh viện ở Lào để kiểm tra. Sau 3 ngày điều trị ở Lào, bé đã được giới thiệu sang Việt Nam, chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để điều trị bệnh.
Ngày 15/8, bé gái nhập Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong tình trạng mất nước, thóp lõm, rối loạn điện giải và thiếu máu. Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực ngoại đã tiến hành cho trẻ nhịn ăn, nuôi dưỡng tĩnh mạch, bù điện giải, bổ sung máu cho trẻ.
Kết quả chẩn đoán ban đầu phát hiện trẻ bị tắc tá tràng bẩm sinh do màng ngăn có lỗ thông. Sau 2 ngày điều trị hồi sức trước mổ, sức khỏe bé ổn định, các bác sĩ quyết định phẫu thuật điều trị dị tật tiêu hóa, cắt màng ngăn, mở tá tràng cho trẻ.
Hiện tại, sau phẫu thuật, sức khỏe bé ổn định, bú tốt, tự đại tiện và được xuất viện về nhà tại Lào.
Bác sĩ chuyên khoa II Đậu Anh Trung, Trưởng khoa Ngoại tổng hợp, cho biết tắc tá tràng bẩm sinh gây tắc nghẽn đường tiêu hóa ngay khi trẻ chào đời. Đây là căn bệnh hiếm gặp với tỉ lệ mắc từ 1/5.000 đến 1/10.000 trẻ sinh ra.
Bệnh có thể được phát hiện sớm qua siêu âm từ tuần thai 18-20 với các dấu hiệu như mẹ đa ối và hình ảnh dạ dày tá tràng phình lớn do tắc nghẽn. Việc chẩn đoán sớm sẽ giúp điều trị kịp thời sau sinh, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Do đó, các sản phụ trong quá trình mang thai cần thực hiện đầy đủ các mốc siêu âm quan trọng và các xét nghiệm sàng lọc để phát hện sớm các bất thường ở thai nhi nếu có. Từ đó có kế hoạch theo dõi, quản lý thai kỳ chặt chẽ và kịp thời xử trí các bất thường có thể gặp phải, đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.