Theo thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, trong 5 năm qua (2017-2021), cả nước xảy ra hơn 17.000 vụ hỏa hoạn, làm chết 433 người, bị thương 790 người. Thiệt hại về vật chất do cháy là hơn 7.000 tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.
Bên cạnh đó, 149 vụ nổ cũng xảy ra trong thời gian trên, làm 54 người chết và 190 nạn nhân bị thương - thiếu tướng Long nói tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017 về công tác cứu nạn, cứu hộ và lực lượng phòng cháy, chữa cháy sáng 12/9.
Cháy lớn tập trung ở nơi phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh
Riêng 8 tháng đầu năm 2022, số vụ cháy được ghi nhận trên cả nước là 1.136 vụ, làm 57 người chết, bị thương 52 người, tài sản bị thiệt hại ước tính 532 tỷ đồng và 39 ha rừng. Cùng thời điểm trên cũng xảy ra 10 vụ nổ, làm 7 người chết, bị thương 11 người.
Theo thống kê, cháy chủ yếu xảy ra ở thành thị với trên 60%, nông thôn chiếm gần 40%. Đặc biệt, về nguyên nhân cháy, trên 45% do sự cố điện, sơ suất về nguồn lửa là 26,3%, các nguyên nhân khác dưới 10%.
“Cháy lớn xảy ra tập trung tại các tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, có nhiều khu công nghiệp, khu dân cư tập trung. Số vụ cháy lớn trong 5 năm là 193 (chiếm 1,13%) nhưng gây thiệt hại về tài trên 4.300 tỷ đồng (chiếm 61,57%). Đồng thời, 191 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, làm chết 433 người, bị thương 790 người”, ông Long cung cấp thông tin.
Thiếu thiết bị chuyên dụng
Liên quan đến vụ cháy làm 32 người tử vong ở quán karaoke An Phú, UBND tỉnh Bình Dương đề nghị cần nâng cao trang bị PCCC, đặc biệt cần có thiết bị chuyên dụng phá mái tôn, công trình để thoát khí và cứu người khi chữa cháy, cứu nạn.
“Anh em tại hiện trường chia sẻ riêng việc đục tường, khoan một lỗ mất gần một giờ”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương nói và đề xuất cần trang bị thiết bị cứu hộ, cứu nạn chuyên dụng để phá dỡ nhanh nhất có thể, như vài phút có thể khoan cắt bê tông.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đánh giá hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy chữa cháy hiện cơ bản đầy đủ. Nhấn mạnh việc quản lý quán karaoke, vũ trường, ông Hùng cho biết cơ chế kiểm soát hiện tại có 3 lớp.
Thứ nhất là cấp phép xây dựng, tiếp theo là cơ quan quản lý văn hoá cấp giấy phép đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cháy nổ, bước cuối cùng là việc duy trì kiểm tra định kỳ của cơ quan phòng cháy chữa cháy và UBND cấp xã, phường.
Về nguyên nhân các vụ hỏa hoạn, ông Hùng nhìn nhận có 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, phần lớn cơ sở kinh doanh đều chuyển đổi từ mô hình nhà ở riêng lẻ, khó đạt nhiều tiêu chí như về lối thoát nạn, vật liệu chống cháy, an toàn điện và đặc biệt là khoảng cách an toàn với nhà bên cạnh.
“Các quy chuẩn trên đến nay khắc phục rất khó, tính khả thi thấp”, ông Hùng nói.
Một nguyên nhân khác được Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá là việc quy hoạch khu dân cư hiện hữu. Đặc biệt là nhà trong ngõ, hẻm, lực lượng chữa cháy khó tiếp cận, “chỉ có cách đập đi làm lại”.
Nguyên nhân cuối cùng được lãnh đạo Bộ Xây dựng đánh giá là trong 3 lớp kiểm soát cơ bản lớp đầu tiên bị bỏ qua. Khi cấp phép, người dân không xin phép xây dựng karaoke mà họ xin cấp phép xây dựng nhà ở rồi sau đó âm thầm cải tạo, chuyển đổi.
Từ đó, ông đề nghị kiểm soát chặt việc nhà ở chuyển đổi công năng. “Đối với những vấn đề tồn đọng trước đây phải nghiên cứu, quy định có tính khả thi, nếu không khả thi không thực hiện được”, ông Lê Quang Hùng nói.
Đồng tình quan điểm trên, Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết cần sớm hoàn thiện thể chế và có tính khả thi. Đặc biệt, sắp tới TP.HCM sẽ khai thác metro, công trình ngầm do vậy rất cần có phương án và khung pháp lý.
"TP.HCM từng đề xuất thợ hành nghề hàn xì phải được tập huấn cấp chứng chỉ hành nghề, nhưng bị Bộ Tư pháp nhắc nhở là thêm thủ tục, tuy nhiên tôi thấy đây là việc rất cần thiết", ông Mãi nói.