Điển hình 4 cơ sở KCB có số tra cứu thành công từ 1.000 lượt trở lên là Phòng khám Đa khoa quốc tế Thu Cúc (1.147 lượt); Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (1.440 lượt), Bệnh viện 354/TCHC (2.055 lượt) và Bệnh viện Nội tiết (8.940 lượt). 4 cơ sở KCB có số tra cứu thành công từ 500 lượt trở lên là Phòng khám Đa khoa Thu Cúc (682 lượt); Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai (687 lượt); Phòng khám đa khoa Quảng Tây (708 lượt) và Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (875 lượt).
Thời gian qua, nhằm đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi KCB, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an (trực tiếp là Cục C06) triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, triển khai sử dụng CCCD, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
BHXH Việt Nam đã nâng cấp hệ thống phần mềm Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống thông tin giám định BHYT của ngành, và sẵn sàng đáp ứng việc cung cấp thông tin thẻ BHYT để các cơ sở khám, chữa bệnh tra cứu thông tin khi người dân sử dụng CCCD gắn chíp đi khám, chữa bệnh. Đồng thời, ngành BHXH đã phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh truyền thông rộng rãi đến người tham gia BHYT về việc thực hiện CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh bằng nhiều hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận.
BHXH Việt Nam lưu ý, do việc xác thực thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm đang hoàn thiện, nên người dân đi khám, chữa bệnh lần đầu nên mang theo thẻ BHYT kèm giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc điện thoại thông minh có tích hợp ứng dụng VssID - BHXH số.
Trường hợp CCCD chưa kịp tích hợp dữ liệu thẻ BHYT hoặc người tham gia BHYT chưa được cấp tài khoản VNEID, người bệnh có thẻ BHYT thực hiện việc khám, chữa bệnh theo quy trình khám, chữa bệnh BHYT hiện hành (xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh hoặc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám, chữa bệnh).
BHXH Việt Nam đề nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ kịp thời cho cơ sở khám, chữa bệnh BHYT và người tham gia BHYT trong quá trình sử dụng CCCD gắn chíp khi đi khám, chữa bệnh; không để xảy ra hiện tượng từ chối khám, chữa bệnh khi người dân cung cấp CCCD gắn chíp mà thông tin này đã được đồng bộ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trước đó, ngày 28/2/2022, Bộ Y tế đã ban hành văn bản 931/BYT-BH hướng dẫn triển khai thí điểm khám, chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Tại văn bản này, Bộ Y tế chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc các bộ, ngành) chuẩn bị kế hoạch và nguồn lực để triển khai tiếp đón, tổ chức khám chữa bệnh cho người bệnh có CCCD gắn chíp tích hợp mã thẻ BHYT hoặc qua ứng dụng VNEID.