Trong cuộc phỏng vấn với CCTV, ông Wang Wei, Giám đốc bệnh viện Tongji tại Vũ Hán cho biết, trong số 147 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện mà họ nghiên cứu, có khoảng từ 3-5% ca "tái nhiễm".
Trong khi đó, hãng tin Life Times hồi đầu tuần đưa tin, các cơ sở kiểm dịch tại Vũ Hán thông báo có khoảng 5-10% bệnh nhân sau khi hồi phục tiếp tục mắc lại Covid-19.
Trong số này có trường hợp gia đình 3 người "tái nhiễm" với virus SARS-CoV-2 và phải quay lại viện điều trị.
Các ca tái nhiễm đặt ra câu hỏi: Liệu các xét nghiệm Covid-19 đối với các ca bệnh hồi phục có đáng tin cậy hay không.
Một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về độ chính xác và tính ổn định của các bộ dụng cụ xét nghiệm cũng như việc thu thập, xử lý các mẫu bệnh phẩm.
Theo ông Wang, trong số các bệnh nhân "tái nhiễm" được điều trị tại Tongji, có 5 người không xuất hiện bất cứ triệu nào. Và không ai trong số các thành viên gia đình hoặc những người tiếp xúc với 5 bệnh nhân trên nhiễm bệnh.
Ông cũng khẳng định, chưa có bằng chứng ghi nhận việc các bệnh nhân "tái nhiễm" sẽ lây truyền virus cho người khác.
"Chúng tôi cần một nghiên cứu dịch tễ học quy mô lớn để hướng dẫn công việc giám sát và phòng ngừa dịch bệnh", ông Wang cho hay.
Trong một cuộc phỏng vấn với CCTV hôm 24/3, Tong Chaohui, chuyên gia về bệnh hô hấp của Trung Quốc nhấn mạnh, việc theo dõi các bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục là hết sức quan trọng.
Trong khi đó, ông Tu Yuanchao, Phó giám đốc Ủy ban y tế Hồ Bắc cho biết, các bệnh nhân tái nhiễm và xuất hiện các triệu chứng sẽ phải nhập viện trở lại.
Ngoài ra, các trường hợp không ghi nhận triệu chứng sẽ được gửi tới các cơ sở cách ly để theo dõi trong 2 tuần.