Theo thông tin lúc 18h ngày 14/1 của Bộ Y tế, Việt Nam vừa ghi nhận 16.040 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 16.026 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố.
Số ca trong ngày 14/1 giảm 674 F0 so với ngày trước đó. Số lượng F0 trong cộng đồng là 11.914 ca. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.980 ca/ngày.
Hà Nội vượt mốc 3.000 F0
Theo Bộ Y tế, ngày 14/1, thành phố ghi nhận 3.029 ca bệnh. Hà Nội tiếp tục là địa phương có số ca mắc Covid-19 trong 24 giờ cao nhất cả nước.
Trong vòng 7 ngày qua, Hà Nội có đến 20.261 ca bệnh, trung bình mỗi ngày có 2.894 F0.
Trước tình hình số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội luôn ở mức cao, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập tiếp tục thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống Covid-19.
Cụ thể, các đơn vị cần thực hiện nghiêm quy định 5K, lắp đặt và triển khai quét mã QR căn cước công dân có gắn chíp, không để phát sinh tình trạng tập trung đông người trong khuôn viên đơn vị. Hệ thống y tế cơ sở cần được củng cố, đặc biệt năng lực quản lý, tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ sớm.
Sở Y tế cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng trong độ tuổi quy định theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm chủng trong tháng 1/2022, hoàn thành tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã đến lịch tiêm chủng và có chỉ định theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong quý I.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần thực hiện tốt việc phân luồng, phân tuyến điều trị, đảm bảo tiêu chí bệnh viện an toàn; đảm bảo oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất.
TP.HCM phát hiện một bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron
Sau 24 giờ, TP.HCM ghi nhận thêm 402 F0, giảm 299 ca so với ngày trước đó. Từ ngày 27/4 đến nay, địa phương này đã phát hiện tổng cộng 510.604 ca bệnh, cao nhất cả nước.
Trong ngày, TP.HCM phát hiện một bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron thứ 13. Đây là cụ bà 82 tuổi, nhập cảnh từ Mỹ về sân bay Tân Sơn Nhất. Sau khi test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 tại sân bay, bệnh nhân được đưa về cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 12 (An Khánh, TP Thủ Đức).
Tại bệnh viện dã chiến, các bác sĩ kiểm tra phát hiện bà có nhiều bệnh lý nền phức tạp như đái tháo đường, thiếu máu cơ tim, ung thư máu giai đoạn cuối. Do lo ngại tình trạng bệnh lý nền, Bệnh viện dã chiến số 12 đã chủ động chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM để điều trị.
Đây là trường hợp nhiễm biến chủng Omicron thứ 51 tại Việt Nam. Như vậy, các tỉnh, thành phố ghi nhận ca nhiễm biến chủng Omicron là Hà Nội (1), Quảng Nam (27), TP.HCM (13), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (3), Khánh Hòa (2), Long An (1). Tất cả đều là người trở về từ nước ngoài, được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Cùng ngày, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản về việc tạm ngưng hoạt động Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị Covid-19 số 3, số 5, số 10 và Bệnh viện Dã chiến Củ Chi từ 19/1.
Nhằm tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe, sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM sẽ sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị giám đốc các bệnh viện luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch trong vòng 24 giờ khi sở y tế chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của bệnh viện dã chiến. Đặc biệt, đơn vị điều trị người nhiễm biến chủng Omicron sẽ được bổ sung nhân lực.
Các địa phương ghi nhận số ca mắc cao
Chiều 14/1, Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 thành phố Đà Nẵng cho biết trong ngày, địa phương ghi nhận 765 ca mắc Covid-19. Trong đó, 7 ca ở khu cách ly tập trung, 187 ca cách ly tạm thời tại nhà, 72 ca trong khu phong toả và 499 ca chưa cách ly. Trong 499 ca chưa cách ly, có 247 ca đến các bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế khám bệnh, xét nghiệm; 115 ca tự test nhanh dương tính được trạm y tế lấy mẫu.
696/765 ca mắc Covid-19 trong ngày có khả năng lây cho cộng đồng, tập trung ở một số địa phương như quận Sơn Trà (131 ca), quận Liên Chiểu (127 ca), quận Thanh Khê (125 ca), quận Cẩm Lệ (118 ca), quận Hải Châu (88 ca), huyện Hòa Vang (61 ca) và quận Ngũ Hành Sơn (46 ca).
Đến nay, thành phố đã tiêm 2.089.024 mũi vaccine phòng Covid-19, trong đó tiêm mũi 1 cho 977.000 người, mũi 2 cho 960.379 người và mũi 3 cho 111.002 người. Hiện thành phố có 118 khu vực phong tỏa với 242 hộ (738 nhân khẩu), duy trì 7 cơ sở cách ly tập trung, thực hiện cách ly 244 người.
Theo Sở Y tế tỉnh Bình Định, trong ngày 14/1, địa phương ghi nhận 626 ca bệnh. Trong đó, thành phố Quy Nhơn có số lượng F0 cao nhất với 391 ca. Trong số F0 mới phát hiện, 449 người đã tiêm chủng đủ mũi vaccine (92,8%); 18 người được tiêm chủng một mũi (3,7%); 17 người chưa tiêm (3,5%).
Địa phương này hiện có 10.843 trường hợp cách ly tại nhà/nơi lưu trú: Quy Nhơn (5.671), Tuy Phước (755), An Nhơn (852), Phù Cát (1.142), Phù Mỹ (523), Hoài Nhơn (386), Hoài Ân (751), Tây Sơn (344), Vân Canh (244), Vĩnh Thạnh (116), An Lão (59).
Một tuần gần đây, số F0 ở Khánh Hòa liên tục tăng cao. Trong 7 ngày qua, tổng số ca mắc tại Khánh Hòa là 17.410 (bao gồm cả 12.156 ca được tỉnh đăng ký bổ sung vào ngày 12/1). Trung bình mỗi ngày tỉnh có 2.492 ca mới, cao thứ 2 cả nước, chỉ sau Hà Nội.
Theo CDC Khánh Hòa, từ ngày 23/6/2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 56.016 ca mắc Covid-19. Trong đó, Nha Trang là 32.396 ca, Ninh Hòa 7.768 ca, Diên Khánh 5.669 ca, Cam Lâm 3.200 ca, Cam Ranh 3.053 ca, Vạn Ninh 1.870 ca, Khánh Vĩnh 1.168 ca, Khánh Sơn 892 ca. Toàn tỉnh đã truy vết được 40.628 F1.
Từ ngày 22/7/2021 đến nay, 46.872 bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn tỉnh đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. 8.248 bệnh nhân mắc Covid-19 đang được điều trị; 218 bệnh nhân tử vong.
Nhiều tỉnh dừng bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán
Để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa, Bình Định, Hải Phòng đã tạm dừng bắn pháo hoa và loại hình lễ hội, các hoạt động tập trung đông người không cần thiết trong dịp Tết Nguyên đán.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khẳng định nguy cơ lây lan virus trong thời gian Tết Nguyên đán là rất cao.
"Chúng ta đều biết SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan trong quá trình người dân tiếp xúc gần, giao lưu, đi lại, gặp gỡ. Trong khi đó, dịp lễ, Tết lại là thời điểm các hoạt động ăn uống, liên hoan diễn ra dày đặc, người dân từ nhiều nơi trở về quê. Do đó, nguy cơ lây lan virus không chỉ dừng ở một địa phương nhất định mà còn giữa các tỉnh, thành phố với nhau”, PGS Phu nhận định.
Tuy nhiên, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho rằng dịch có bùng lên hay không còn phụ thuộc vào mức độ quyết liệt trong việc đáp ứng của địa phương trước tình hình dịch cũng như sự tự giác của người dân.
Ông cũng lưu ý những người không may đang trong nhóm nghi ngờ nhiễm nCoV, có triệu chứng của bệnh không nên về quê ở thời điểm này. Ngoài ra, người dân phải chú ý đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển, đi lại trên các phương tiện giao thông công cộng.
“Bên cạnh tránh để bản thân bị nhiễm, chúng ta cũng cần chú ý phòng lây bệnh cho người cao tuổi, có bệnh nền hay đối tượng chưa được tiêm vaccine trong gia đình”, PGS Phu nhấn mạnh.
Về tình hình tiêm chủng, trong ngày 13/1, 1.066.301 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 165.524.173, trong đó tiêm mũi một là 78.527.76 liều, tiêm mũi 2 là 71.946.807 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 15.049.601 liều.