Các chuyên gia dịch tễ cho rằng việc cách ly F0 tại nhà có thể dễ dàng hơn so với cách ly F1 bởi F0 đã lộ rõ bệnh lý, mức cảnh giác cao hơn và chủ động hơn trong giám sát, xét nghiệm. Nhưng với F1 là chuyện khác, giống như "quả bom nổ chậm" rất khó xác định lúc nào phát bệnh.
Tuần qua, Bộ Y tế đã ban hành công văn gửi các tỉnh thành hướng dẫn cách ly F0 tại nhà sau thời gian điều trị tại các cơ sở y tế. TP.HCM, địa phương với trên 48.000 ca mắc (tính đến sáng 23-7), đang là nơi áp dụng các giải pháp "bốc" F0 không triệu chứng ra khỏi các bệnh viện điều trị COVID-19, tổ chức cách ly tập trung F0 ở địa phương và tại nhà.
Theo dõi sức khỏe cẩn thận
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn - trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM - cho biết việc triển khai thí điểm cách ly F0 tại nhà sau 10 ngày nằm viện được đưa ra dựa trên kết quả theo dõi khoảng 70 - 80% trường hợp F0 không có triệu chứng thời gian qua. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo về giảm thời gian điều trị tại các cơ sở y tế đối với các F0.
Các trường hợp F0 sau 10 ngày được điều trị tại các cơ sở y tế sẽ được xét nghiệm 2 lần bằng phương pháp Realtime RT-PCR, nếu kết quả âm tính sẽ được chuyển cách ly tại nhà. Ngoài ra, với những trường hợp dương tính nhưng có tải lượng virus thấp (giá trị CT>=30) cũng có thể đưa về nhà theo dõi điều trị bởi khả năng lây nhiễm với những người xung quanh là rất thấp.
Các trường hợp F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được theo dõi y tế theo quy định. Bệnh nhân sẽ có số điện thoại đường dây nóng thông tin diễn biến sức khỏe khi cần thiết; nhân viên y tế sẽ kiểm tra, theo dõi hằng ngày và đến lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, hệ thống y tế cơ sở cũng sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc theo dõi F0 khi cách ly tại nhà.
Tự nâng cao sức đề kháng
Theo ông Sơn, Bộ Y tế cũng đưa ra những hướng dẫn, khuyến cáo về tự theo dõi sức khỏe, liên hệ chặt chẽ với các đơn vị y tế; khuyến cáo sử dụng một số loại thuốc như hạ sốt, các sản phẩm có tác dụng hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, các loại multivitamin; uống nhiều nước và uống nước nhiều lần trong ngày để đảm bảo độ ẩm cho hệ thống hô hấp.
"Với các khuyến cáo, chúng tôi hy vọng các trường họp F0 sẽ được tiếp tục theo dõi điều trị, người bệnh được gần gũi với gia đình sẽ tạo được tâm lý thoải mái và giúp người bệnh nhanh chóng khỏi bệnh" - ông Sơn nói.
Các chuyên gia y tế cho biết F0 khi cách ly tại nhà là tuyệt đối không được ra khỏi nhà cho tới khi ngành y tế cho phép. Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân, để tình trạng bệnh không nặng thêm. Người cách ly phải ở một phòng riêng biệt, nếu là nhà tầng nên ưu tiên ở các tầng trên cao, mở cửa sổ cho thông thoáng để ánh nắng vào phòng.
Mang khẩu trang khi tiếp xúc với người nhà, tuân thủ cách 2m, sát khuẩn tay thường xuyên và giữ khoảng cách với tất cả mọi người. Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ bằng cách sử dụng nước muối súc miệng, xịt mũi... Uống đủ nước và uống nhiều lần trong ngày.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết người cách ly thực hiện khai báo hằng ngày trên ứng dụng về tình trạng sức khỏe và tuân thủ nội dung cam kết thực hiện cách ly tại nhà như sau:
Bước 1 Cài đặt ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD) trên hệ điều hành IOS hoặc Android.
Bước 2 Đăng nhập vào ứng dụng bằng số điện thoại di động và mã OTP.
Bước 3 Đăng ký khai báo nhận diện khuôn mặt đủ 3 ảnh và vị trí cách ly tại nhà.
Bước 4 Khai báo sức khỏe hằng ngày hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe bằng nhận diện khuôn mặt.