Khi đã xác định bước chân vào cuộc sống hôn nhân có nghĩa đôi bên buộc phải trưởng thành, có thể làm chủ cả hành động cũng như lời nói của mình. Vợ chồng nếu có bất đồng quan điểm dẫn tới to tiếng cãi vã nhưng tuyệt đối không được phép đưa phụ huynh vào cuộc. Anh chồng trong câu chuyện dưới đây lại làm ngược lại khiến vợ anh quá bất bình mà đưa chuyện của mình lên mạng xã hội chia sẻ.
Câu chuyện của cô như sau: "Biết rằng ở đời chẳng có ai là hoàn hảo, người được mặt này mất mặt kia. Nhất là vợ chồng lại càng phải nhìn vào ưu điểm của nhau mà tôn trọng, yêu thương. Thế nhưng từ ngày kết hôn, thực sự em quá mệt mỏi với cách sống gia trưởng, độc đoán của chồng mình. Ưu điểm của anh ấy là biết kiếm tiền nhưng đổi lại, anh quá vô tâm chẳng bao giờ để ý tới suy nghĩ, cảm xúc của vợ.
Cậy bản thân kiếm ra tiền, anh tự cho mình quyền định đoạt mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Ngay như lúc em sinh con, anh không cho thuê giúp việc mà yêu cầu vợ nghỉ làm ở nhà chăm con. Anh nói lương em bằng anh làm thêm vài ngày là đủ. Ban đầu em không đồng ý, anh ấy ép lựa chọn, một là ly hôn, hai là nghỉ làm. Thương con, em đành phải chấp nhận theo ý chồng.
Điều làm em thấy mệt mỏi nhất ở chồng là cứ hễ không ưng ý, vừa lòng với vợ là anh mang bố mẹ em ra đay nghiến rằng họ không biết dạy con gái, để em không biết cách làm dâu. Nhiều hôm, có bố mẹ vợ sang chơi, anh vẫn thẳng thừng trách móc em như thế khiến họ phải tự ái đứng dậy về.
Cuối tuần vừa rồi em được cô bạn thân mời cưới. Hôm ấy anh nghỉ ở nhà nên em nhờ trông con giúp một lúc để đi dự nhưng vợ vừa mở lời, anh đã quát: 'Chẳng đi đâu hết, đi làm cả tuần tới ngày chủ nhật được nghỉ ngơi cô lại sai trông con là thế nào. Đàn bà kết hôn rồi còn ham hố tới mấy chỗ đông người làm gì. Chẳng bạn bè, đàn đúm cho hư người ra. Cô gửi phong bì mừng là được'.
Thực sự lúc ấy em ức chế lắm rồi bởi từ ngày lấy chồng, để lo toan cho gia đình, hầu như em đã cắt hết mọi mối quan hệ bạn bè bên ngoài. Lần này là bạn thân, ngày trước em cưới, cô ấy về mấy ngày lo việc giúp. Tới lượt cô ấy cưới, em không thể không có mặt. Em giải thích tới thế, chồng vẫn không chịu cho vào tai, tiếp tục gây khó dễ, cấm đoán không cho đi.
Không thể nghe theo ý chồng, em bế cả con tới dự đám cưới. Biết tính anh rồi, em cũng chỉ đi 1 lúc là về ngay. Thế mà vừa về đến cửa, anh đã chỉ thẳng tay bảo: 'Tôi gọi điện cho bố mẹ cô rồi, tôi gửi lại cô về đó cho họ dạy lại con gái. Khi nào cô biết sống cho tử tế, biết lo trọn đạo làm dâu, làm vợ thì hãy về. Còn giữ cái kiểu chồng nói một đằng, vợ làm một nẻo như hôm nay nữa đừng trách tôi bỏ'. Đúng lúc ấy bố mẹ bên nhà cũng gọi cho em, họ giục về bên đó để hỏi mọi chuyện cho rõ ràng.
Em ôm con về ngoại đúng 1 tuần mới quay lại nhà. Thấy em, anh cười nhạt hỏi bố mẹ em dạy dỗ con cái ổn chưa mà đã để em về. Em lại sát bên anh đặt luôn lá đơn ly hôn xuống mặt bàn bảo: 'Bố mẹ dạy tôi rồi, họ bảo tôi lấy chồng sống không hạnh phúc thì về với họ, không việc gì mà phải trói buộc cuộc đời vào một người chồng vô tâm, thiếu tôn trọng vợ'.
Nói xong em về phòng dọn quần áo, gọi taxi chở thẳng về ngoại. Chắc ở nhà suy nghĩ 1 mình, hiểu ra vấn đề nên ngay tối ấy chồng em sang nhà nói chuyện nhận lỗi với bố mẹ, xin đón em về. Tuy nhiên bố em bảo: 'Chuyện của hai đứa, tự hai đứa quyết định. Bố chỉ mong 1 điều, bố mẹ gả đứa con gái duy nhất của mình cho con, không mong nó được sống giàu sang, nhung lụa, chỉ mong được con tôn trọng thương yêu. Còn nếu con không làm được thì trả lại con gái cho bố mẹ'.
Lão nhà em im như thóc chỉ biết vâng dạ, cấm dám nói thêm. Hôm ấy em cũng không về, bảo cần có thời gian suy nghĩ. Lần này em muốn cho chồng phải tự dằn vặt, chất vấn bản thân xem mình sai ở đâu thì tự sửa nếu không em dứt khoát ly hôn. Em không thể quay lại sống những ngày tháng không tiếng nói như vậy nữa".
Hôn nhân cần sự bình đẳng và tôn trọng bố mẹ hai bên. Bất cứ người phụ nữ nào đi lấy chồng cũng đều mong điều đó. Mong rằng các anh chồng sẽ hiểu tâm tư nguyện vọng này của vợ mình để tránh làm tổn thương bạn đời giống người chồng trong câu chuyện trên, kẻo tới khi để vuột mất hạnh phúc trong tay rồi mới hối hận thì cũng chẳng kịp nữa.