Trong Kinh Thi của Khổng Tử, Hiếu được xem là đức tính căn bản của đạo đức. Trong năm thứ hạnh tốt, chữ Hiếu được xếp đầu tiên.
Trong kinh “Phật thuyết phụ mẫu ân trọng nan báo” cũng chỉ rõ sự khó nhọc của các bậc sinh thành khi sinh ra con cái. Theo giáo lý nhà Phật thì việc báo ân cha mẹ cũng ngang với việc báo ân Tam bảo, ân đất nước, ân chúng sinh.
Nếu bạn cho rằng chỉ cần nuôi được cha mẹ, khiến cho họ không cần lo ăn, lo mặc là được thì vẫn chưa đủ. Khổng Tử, người sáng lập Nho giáo, từng nói: “Kẻ được gọi là Hiếu thời nay chỉ ở chỗ nuôi được cha mẹ, đến như chó ngựa cũng có thể nuôi được, nếu không có Kính, thì giữa nuôi cha mẹ với nuôi chó ngựa có gì khác đây?”.
Người xưa có câu: “Chỗ cao nhất của Hiếu, không gì lớn hơn tôn kính”. Dù biết rằng ai cũng có công việc riêng, cũng bận rộn mưu sinh nhưng phận làm con không nên vì thế mà được phép quên đi cha mẹ mình. Đôi khi họ chỉ cần những lời quan tâm, chia sẻ bình thường của con cái. Hiếu kính cha mẹ không cần là điều gì quá to tát bởi mọi việc chỉ cần xuất phát từ tâm.
Nói về bất hiếu, nhiều người thường nghĩ đến những kẻ xấu xa. Thế nhưng, trong cuộc sống đôi khi chúng ta vô tình phạm phải tội bất hiếu mà không biết.
Dưới đây là một số thói quen xấu được cho là bất hiếu.
Tụng kinh niệm Phật nhưng không quan tâm tới cha mẹ
Nhiều Phật tử dù thường xuyên lên chùa, niệm Phật hay chăm chỉ làm từ thiện nhưng lại không mấy quan tâm đến cha mẹ của mình. Đức Phật luôn dạy các Phật tử của mình rằng cha mẹ chính là đức Phật tại thế.
Cho nên, hiếu kính cha mẹ mình cũng chính là cung kính với đức Phật. Thế nên, điều đầu tiên mà mỗi người Phật tử cần có là hiếu kính với song thân của mình.
Nếu Phật tử đối xử bất kính với cha mẹ thì dù cho có chăm chỉ tu hành, thường xuyên làm từ thiện thì cũng không thể nào tích được công đức. Chưa kể, đó còn là lý do khiến cho có thể hối hận về sau.
Cãi lời cha mẹ, đua đòi
Trên thực tế, có rất nhiều người trẻ vì sự non nớt, thiếu hiểu biết của bản thân mà đôi khi nói những lời khiến cha mẹ bị tổn thương. Một số khác lại vì ham chơi, đua đòi mà khiến cha mẹ lo lắng, khổ sở.