So sánh con của bạn với con người khác
Con hãy nhìn bạn mà xem… hoặc tại sao bạn được điểm 10 mà con chỉ được điểm 8 hay như tại sao bạn ngồi yên nghe cô giảng bài mà con thì luôn quậy phá…
Trên đây đều là những câu nói nhiều khi là vô tình, các bậc phụ huynh dùng để so sánh con mình đối với bạn bè cùng trang lứa của chúng. Bạn đâu biết nếu nhiều ngày liên tục cứ luôn lặp đi lặp lại cách nói như vậy, dần dà đứa trẻ của bạn sẽ cảm thấy chúng thật kém cỏi và luôn thua thiệt so với bạn bè. Thậm chí trẻ cảm thấy cha mẹ không yêu mình nên mới so sánh như vậy. Với tâm hồn non nớt và ngây thơ của trẻ, chúng sẽ không thể nào hiểu được cặn kẽ và cũng cảm thấy bơ vơ không biết làm thế nào để bằng bạn bằng bè và làm vừa lòng cha mẹ.
Là cha mẹ bạn hãy tinh tế trong việc nhận định và nâng đỡ con mỗi ngày đặc biệt là việc học tập. Bạn nên nhớ, Nếu như chúng ta chỉ luôn nhìn thấy ưu điểm của những đứa trẻ khác, và chỉ thấy con mình có nhược điểm, dần dần con bạn sẽ cảm thấy chúng thật kém cỏi và thua thiệt. Từ đó trẻ sẽ mang theo niềm tổn thương này suốt đời.
Cha mẹ không cần con nữa
Nhiều khi trong lúc nóng giận bạn nói như thế này với trẻ, chứ thực tâm không hề muốn. Nhưng thái độ gay gắt, nhìn vào trẻ sẽ ghi nhớ khoảnh khắc ấy lâu dài, thậm chí nhiều năm sau khi trưởng thành, nhìn lại ngày ấy, trẻ vẫn không thể quên. Làm sao cha mẹ sinh con ra, rồi tới một ngày lại phủ định sự có mặt của con? Đứa trẻ sẽ mặc cảm và thấy mình như có lỗi với cha mẹ. Như vậy người lớn sẽ đâu biết được những diễn biến xảy ra trong nội tâm của con mình.
Xuất phát từ việc trẻ bướng bỉnh, không nghe lời cho nên cha mẹ vô tình nói ra lời nặng nề đó, tưởng rằng lời nói ấy không có tính sát thương, nhưng thực ra nó đã trở thành “độc dược” ngấm dần vào tuổi thơ của con. Hãy dừng lại ngay cách nói này trước khi quá muộn. Bởi vì trong mắt của con, cha mẹ luôn là chỗ dựa duy nhất.
Chê con kém cỏi, ngốc nghếch
Mỗi khi nhìn thấy điểm thi của con kém, hay bài kiểm tra bị cô phê bình, hầu như chẳng có người làm cha mẹ nào thấy thoải mái hay vui vẻ cả. Ai cũng mong con mình ngoan, giỏi, được thầy cô bạn mến. Nhưng mỗi đứa trẻ là một bản sắc với những tính cách khác nhau. Không thể vì đứa trẻ khác ngoan có nghĩa là con mình cũng như thế. Đôi khi mỗi trẻ sẽ có thế mạnh khác nhau cũng như điểm yếu không trẻ nào giống trẻ nào. Đừng vội vã buột miệng cho là con mình kém, ngốc cho với bạn bè. Thậm chí còn nói con… là ngu sẽ vô tình khiến trẻ tin vào điều đó là đúng và dần dà con sẽ không còn phấn đấu, tự mặc định là cho dù mình có làm gì chăng nữa thì mình vẫn luôn thua kém chúng bạn, vẫn luôn là một kẻ ngốc.
Tới lúc đó, hẳn bạn biết tương lai của trẻ sẽ đi về đâu rồi chứ?