Thực tế cho thấy, nhiều phụ nữ lấy lí do vì con để tha thứ và cam chịu sống bên người chồng tệ bạc. Sợ con lớn lên không bằng bạn bè, sợ con lớn lên thiếu thốn tình cảm của người cha. Sợ con thiệt thòi và mang những kí ức thơ ấu buồn bã. Mười người tha thứ, hết chín 9 lấy lí do vì con. Nhưng thực tế, con cái chỉ là một phần. Tận sâu thẳm trong trái tim đàn bà vẫn còn chút tình cảm, vẫn còn nghĩ rằng người đàn ông vẫn còn một phần nào tử tế.
Trái lại, có những người đàn bà dứt áo ra đi không một chút hối tiếc. Họ ôm con quay đầu mà chẳng thèm ngoảnh đầu nhìn lại. Chẳng phải lòng dạ họ sắt đá. Cũng chẳng phải họ quá tuyệt tình. Mà bản thân họ hiểu rằng, người đàn ông ấy – vĩnh viễn chẳng thể chung sống thêm một ngày nào nữa.
Chị hàng xóm của tôi là một người đàn bà tuyệt tình như thế. Tôi hiểu, chị đã khổ sở như thế nào khi sống với một nhà chồng hà khắc. Người chồng thì vô tâm, nhỏ nhen và ti tiện. Quê chị ở xa lắm, chị về đây làm dâu chẳng có lấy một người thân quen, họ hàng. Bạn bè càng không nên những nỗi buồn trong gia đình chị không biết chia sẻ cùng ai. Chị ngày càng lầm lũi và cô đơn.
May sao, tôi hay gần gũi và tâm sự với chị. Hơn 30 tuổi, chị có tới 3 đứa con nheo nhóc, sát tuổi nhau. Trông con đến rộc cả người, còn bao nhiêu công việc nhà cửa, ruộng vườn. Ba mẹ chồng chị rất hà khắc. Họ bảo rằng đã ăn cơm nhà họ thì phải ra sức mà phục vụ. Nhiều khi mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi mà chẳng được.
Chồng chị ngày trước cũng tử tế nhưng ngày càng đổ đốn, nát rượu. 7 ngày trong tuần hết 6 ngày say xỉn, rượu chè. Cả tháng chẳng đưa cho vợ nổi một đồng tiền mua sữa cho con. Chị khổ tâm lắm. Giá như chị có ba mẹ, họ hàng ở bên còn đỡ tủi. Đàn bà lấy chồng xa, có cơ cực cỡ nào cũng cắn răng mà chịu.
Chị đã từng muốn ôm con bỏ đi nhưng thâm tâm vẫn mong có một ngày nào đó chồng thay đổi. Chị vẫn còn hy vọng, vẫn còn mong chờ rằng anh ta sẽ nghĩ lại mà cùng chị nuôi con. Cứ dùng dằng như thế đến cả chục năm nhưng người chồng ngày càng tệ bạc. Khốn nạn hơn nhiều lần say xỉn, anh ta còn đi ngủ với gái bán hoa. Khổ sở, tuyệt vọng chị ôm ba đứa con rời khỏi nhà.
Trước khi đi, chị có qua chào tôi. Chị bảo rằng, mọi thứ đã vượt ngưỡng chịu đựng của chị rồi. Người chồng ấy, sống với nhau hơn mười năm nhưng chỉ đem lại cho chị toàn dối trá và khổ đau. Tôi hỏi: “Chị không thương ba đứa con chị sao?”. Chị bảo: “Mười năm nay, một mình chị gồng gánh nuôi con. Có cha nhưng chưa lo cho con được một ngàn tiền sữa. Lại nhẫn tâm và tuyệt tình như thế thì có cũng như không em à”.
Ở tận cùng của sự tuyệt vọng, đàn bà sẽ nhẫn tâm vô cùng. Khi nhận về bao nhiêu đắng chát, dối lừa, bạc bẽo thì người đàn bà chẳng dại gì mà cố ôm lấy một người chồng chẳng ra gì. Lúc đó, dù có mười hay một đứa con – đàn bà sẽ chọn cách ra đi một cách không hối tiếc.
Rồi chị ôm con rời đi. Đàn bà đến lúc cạn tình thì chẳng còn điều gì có thể giữ nổi họ ở lại!