Nuôi dạy con là một hành trình vô cùng của tất cả các ông bố bà mẹ. Nhiều phương pháp dạy con đã được xuất bản thành sách với hàng triệu lời khuyên từ khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng chuyện đó vẫn không ngăn được việc nhiều phụ huynh dùng đòn roi để dạy con với quan niệm “thương cho roi cho vọt”. Trên thực tế, đòn roi thường chỉ mang tác dụng ngược với việc dạy dỗ con cái, nhất là với 3 độ tuổi dưới đây.
Trẻ dưới 3 tuổi
Từ 0-3 tuổi, mọi hành động và thái độ của trẻ hầu hết đều diễn ra trong vô thức. Ở độ tuổi này, hoạt động của bé chủ yếu là các nhu cầu sinh lý như ăn ngủ mà chưa có ý thức về những việc mình làm. Cha mẹ tuyệt đối không được đánh con trong giai đoạn này vì có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý và sức khỏe của bé.
Độ tuổi này là lúc bé bắt đầu ghi nhớ, phát triển lòng tin, hình thành tính cách. Nếu dùng đòn roi để giáo dục thì bạn sẽ khiến trẻ hoảng sợ, thậm chí là ám ảnh từ đó gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý về lâu dài.
Trẻ ở giai đoạn “khủng hoảng tuổi lên 3” có thể khiến cha mẹ "điên đầu" vì lì lợm, khó bảo. Tuy nhiên bạn vẫn phải tuyệt đối giữ bình tĩnh để tránh đánh hay mắng con nặng lời. Đây là giai đoạn bé bắt đầu mong muốn thể hiện sự độc lập của bản thân nên thường rất cứng đầu, ngoan cố thậm chí là vô lễ. Các bậc phụ huynh hãy kiên nhẫn giải thích hoặc có thể phạt trẻ ngồi một góc để con tự suy nghĩ về việc làm sai của mình.
Trong giai đoạn này, cha mẹ cũng nên khuyến khích con tự ăn, chọn quần áo, thay đồ để giúp trẻ thỏa mãn được nhu cầu thể hiện cái tôi bé nhỏ của mình, từ đó bé sẽ bớt bướng bỉnh hơn.
Trẻ từ 6 tuổi trở lên
Từ 6 tuổi trở đi bé đã bắt đầu thể hiện sự độc lập, mong muốn được chú ý và yêu mến. Chính vì thế, đánh hoặc la mắng con nặng nề trong giai đoạn này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tư duy và sự phát triển tính cách của bé.
Trong độ tuổi này bạn nên dạy con bằng các nguyên tắc đề ra từ trước. Thời điểm này tư duy của trẻ đã phát triển nên bạn hãy kiên nhẫn giải thích khi bé làm sai.
Hãy khuyến khích, khen ngợi khi trẻ làm đúng hoặc đạt được thành tích. Đồng thời bạn hãy dành thời gian tạo ra các hoạt động chung để trẻ kết nối hơn với gia đình.
Cha mẹ cũng cần học cách kiểm soát bản thân. Khi cảm thấy cơn nóng giận đang làm chủ tâm lý của mình thì đừng dạy con, hãy để bản thân bình tĩnh lại rồi hãy nói chuyện cùng bé.
Trẻ ở tuổi dậy thì
Tất cả chúng ta đều nổi loạn khi đến tuổi dậy thì. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị trước tâm lý và cảm xúc khi đối diện với con. Mấu chốt tâm lý của trẻ trong thời gian này là khát khao được thể hiện bản thân cực kì lớn. Thay vì dạy dỗ bằng đòn roi thì bạn hãy tâm sự với con để giải quyết khúc mắc.
Ở tuổi dậy thì, trẻ không thích bị áp đặt, dạy dỗ nên rất dễ kháng cự trước những lời nói của cha mẹ. Đây chính là lúc cha mẹ rũ bỏ chiếc áo phụ huynh và sẵn sàng trở thành bạn bè của con, cùng trẻ đối diện với những thay đổi về tâm sinh lý trong quá trình trưởng thành.
Khi trẻ ở tuổi dậy thì, phụ huynh cần tuyệt đối tuân thủ những điều sau:
+ Tuyệt đối tôn trọng sự cá nhân, riêng tư của con. Đừng đọc trộm nhật ký hay xem trộm tin nhắn. Việc này sẽ khiến trẻ cảm thấy không được tôn trọng và muốn giấu giếm tất cả mọi chuyện về mình.
+ Không la mắng, dạy dỗ trẻ trước mặt nhiều người. Giai đoạn này lòng tự tôn của trẻ rất cao. Việc bị phụ huynh la mắng trước đám đông có thể khiến tâm lý trẻ bị tổn thương từ đó phát sinh những hành động, thái độ chống đối.