Theo ghi nhận vào sáng 18/9 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 85,1 USD/thùng (tăng 0,01%); dầu thô Brent giao dịch ở mức 91,35 USD/thùng (tăng 0,5%).
Giá xăng dầu trong ngày giao dịch cuối tuần tăng nhẹ do ảnh hưởng từ sự cố tràn dầu tại Iraq. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá dầu mất gần 2%. Nếu tính từ đầu quý III đến nay, dầu Brent và WTI giảm khoảng 20%.
Theo dữ liệu giá xăng dầu Bộ Công Thương cập nhật đến ngày 14/9, giá xăng A95 tại thị trường Singapore ở mức 103,7 USD/thùng, xăng A92 ở mức 99,6 USD/thùng, dầu diesel ở mức 123,7 USD/thùng.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho rằng, giá xăng dầu thế giới đang đà lao dốc chắc chắn kéo giá xăng dầu trong nước giảm theo.
Theo vị này, còn 3 ngày nữa đến kỳ điều hành, nếu giá dầu thế giới tiếp tục giảm hoặc được duy trì như hiện tại, giá xăng có thể giảm khoảng 500 - 700 đồng/lít, dầu diesel giảm mạnh hơn, chừng 1.500 - 2.000 đồng/lít. Song, mức giảm cụ thể còn tùy thuộc vào trích lập và chi sử dụng quỹ Bình ổn giá.
Tại kỳ điều hành giá liền trước, Liên bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo hướng giảm hầu hết các mặt hàng. Theo đó, giá xăng RON95 giảm 1.015 đồng/lít, bán ra mức 23.215 đồng/lít, xăng E5 RON92 giảm 1.128 đồng/lít, bán ra là 22.231 đồng/lít và là mức thấp nhất từ đầu năm đến nay.
Nếu trong kỳ điều hành sắp tới, giá xăng tiếp tục giảm sẽ đưa mặt hàng này về mức giá của tháng 10 năm ngoái.
Mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các phương án giảm thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tăng cao.
Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới.
Đồng thời, liên bộ Tài chính - Công Thương phải chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống.