Phụ Nữ Sức Khỏe

Đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19: Đã khoác đồ phòng hộ là xác định 'ngứa không gãi, không đi vệ sinh'

Theo chân đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19 đi lấy mẫu xét nghiệm người nghi ngờ mắc COVID-19, mới cảm nhận hết được sự nghiêm ngặt của quy trình, cũng như những vất vả của nhân viên y tế phòng dịch.

Điểm lấy mẫu xét nghiệm tập trung cho các ca tiếp xúc, ca nghi ngờ mắc COVID-19 tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Kín bưng cả ngày

Theo chân đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19 của quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) trong giai đoạn cao điểm lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc người bệnh COVID-19, phóng viên được "mục sở thị" công việc hàng ngày của nhân viên y tế ở đây.

Trước khi vào khu lấy mẫu xét nghiệm, chúng tôi được trải qua quá trình khử khuẩn, mặc đồ phòng hộ, điện thoại, máy ảnh bọc nilon trong để đảm bảo an toàn tối đa trong khi tác nghiệp. Sau đó được hướng dẫn theo lối đi riêng vào trong, nơi người dân đang xếp hàng theo đúng khoảng cách tiêu chuẩn chờ vào xét nghiệm.

Tại đây, các cán bộ y tế kín bưng trong bộ đồ phòng hộ đang miệt mài với công việc tiếp đón người dân, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm với phong thái khẩn trương.

Chỉ mặc bộ đồ phòng hộ một lúc đã cảm thấy khó chịu, bức bí, khó khăn để tác nghiệp, nhưng đây là trang phục hàng chục giờ liền của các cán bộ y tế ở đây, trong khi họ vẫn phải luôn chân luôn tay làm việc.

Cán bộ y tế kiểm tra phần khai báo dịch tễ của người dân.

Từ ngày 3/4 đến nay, các cán bộ y tế làm việc tại điểm lấy mẫu xét nghiệm này chưa có ngày nào ngơi nghỉ khi liên tục tiếp nhận, lấy mẫu bệnh phẩm cho những người trong diện nguy cơ mắc COVID-19, có ngày cao điểm lên tới hơn 200 người.

Kỹ thuật viên Nguyễn Mạnh Tiến, Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV, Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: “Từ đầu mùa dịch đến nay, công việc của tôi là hàng ngày đi điều tra các ca nghi ngờ mắc COVID-19, các ca tiếp xúc với ca bệnh… đặc biệt bận rộn vào những ngày lấy mẫu xét nghiệm tập trung với những người có tiền sử đi về từ các ổ dịch như Bệnh viện Bạch Mai, hay tập hợp những trường hợp có tiền sử dịch tễ nghi ngờ…”.


Kỹ thuật viên Nguyễn Mạnh Tiến trong bộ đồ phòng hộ kín mít.

Không chỉ tham gia công tác phòng dịch trên địa bàn, kỹ thuật viên Nguyễn Mạnh Tiến còn được huy động tham gia lấy mẫu xét nghiệm tập trung tại các địa điểm như: Sân bay Nội Bài, các khu cách ly tập trung…

“Khi tham gia phòng dịch, chúng tôi đã được trang bị đồ phòng hộ cẩn thận nên hết công việc vẫn có thể đi về nhà. Tuy nhiên, chúng tôi cũng luôn phải tự theo dõi sức khoẻ, hạn chế tiếp xúc với người nhà một cách tối đa có thể. Xác định công việc của tôi gắn với hoạt động phòng chống dịch, không chỉ đợt dịch này mà nhiều dịch bệnh khác chúng tôi cũng phải xông pha nên rất may vợ tôi cũng thông cảm và chia sẻ”, anh Tiến cho biết.

Mới vào nghề nên đây là vụ dịch lớn đầu tiên anh Tiến tham gia. Việc phải mặc bộ đồ phòng hộ để làm việc trong khu xét nghiệm, lại phải làm việc liên tục, tiếp xúc gần với các ca nghi ngờ mắc COVID-19 khiến anh cũng “mãi mới quen”.

“Lúc đầu chưa quen, bộ đồ phòng hộ khiến tôi cảm thấy khá khó chịu, ngột ngạt, nhưng giờ đây, công việc này đã trở thành thường ngày thì chúng tôi cảm thấy ổn hơn. Đúng là mặc vào rồi thì ngứa không được gãi, không được đi vệ sinh, khát không được uống… vì phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tránh lây nhiễm. Vì vậy, chúng tôi luôn phải chuẩn bị thật kỹ càng trước khi vào làm việc trong khu vực nguy cơ để có thể tập trung làm việc hiệu quả”, anh Tiến chia sẻ.


Khâu lấy mẫu xét nghiệm của các ca tiếp xúc, nghi ngờ.

Sẵn sàng bất kể ngày đêm

Với kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Hoan, công tác tại Khoa Kiểm soát dịch bệnh và HIV, Trung tâm Y tế quận Bắc Từ Liêm, tuy đã từng tham gia xông pha trong nhiều đợt dịch bệnh nhưng dịch COVID-19 lần này với anh có lẽ là vụ dịch lớn nhất, vất vả nhất mà anh từng trải qua.

Công việc của anh là lấy mẫu dịch hầu họng của các ca nghi ngờ, anh cũng là thành viên của đội phản ứng nhanh phòng dịch COVID-19. Không chỉ nhưng buổi lấy mẫu bệnh phẩm tập trung mà bất cứ khi nào có các ca nghi ngờ, kỹ thuật viên Nguyễn Hữu Hoan đều luôn sẵn sàng lên đường, xuống tận nhà dân.

Bất kể đêm hôm hay ngày mưa rét, nắng ráo, cứ có thông báo là anh cùng đội phản ứng nhanh lập tức “khăn gói” lên đường.

Anh Hoan vẫn còn nhớ, cách đây ít ngày, đúng vào hôm mưa rét có một trường hợp ca tiếp xúc với người bệnh được báo tới. Lúc ấy đã gần 22 giờ đêm, anh Hoan nhận được điện thoại và tức tốc phi từ nhà tới Trung tâm y tế quận Bắc Từ Liêm cùng anh em trong đội phản ứng nhanh chuẩn bị đồ lấy mẫu, đồ bảo hộ và xuống nhà dân.  


Cuối buổi làm việc, cán bộ xét nghiệm khử khuẩn thùng đựng mẫu bệnh phẩm và người để ra khỏi khu xét nghiệm.

“Hôm đó trời mưa lạnh, ngõ vào nhà dân quá hẹp, xe không vào được nên chúng tôi phải loay chuyển đồ đạc, dụng cụ đi bộ vào. Đến nơi, chúng tôi khử khuẩn phòng vệ và mặc đồ bảo hộ và bắt đầu vào làm việc với người dân. Sau khi đội điều tra dịch vào làm việc xong, tới lượt tôi vào lấy mẫu xét nghiệm. Với những trường hợp này, tôi luôn phải cố gắng thao tác nhanh nhất có thể để hạn chế thời gian tiếp xúc. Lúc lấy mẫu xong cũng đã hơn 23 giờ, chúng tôi lại phải nhanh chóng mang mẫu đi gửi xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Hôm ấy các đơn vị từ các quận, huyện đến gửi mẫu rất đông, đến mức chúng tôi phải xếp hàng chờ đến mãi đến hơn 1 giờ sáng mới hoàn thành xong việc gửi mẫu và lại quay về Trung tâm. Sau khi khử trùng, tắm rửa, thay đồ xong tôi phải ngủ lại cơ quan và sáng hôm sau về”, anh Hoan kể.

Vất vả là vậy, nhưng với tác phong của đội phản ứng nhanh, công việc này đã là thường xuyên với các anh em trong đội. Với anh Hoan, điều đáng lưu tâm nhất trong công việc không phải là vấn đề đi sớm về khuya, mà là luôn luôn phải đảm bảo phòng hộ tốt nhất để tránh lây nhiễm. Virus SARS-CoV-2 rất dễ lây lan qua đường hô hấp, tiếp xúc, vì vậy anh luôn tuân thủ nghiêm ngặt, không được chủ quan, lơ là, dù trong một khâu nhỏ nào.

Chú thích ảnh
Tranh thủ từng phút kiểm tra lại giấy tờ khai dịch tễ của người dân.

“Lúc mới đầu khi nhận nhiệm vụ tôi đã xác định đây là công việc của mình, nên cảm thấy bình thường; nhưng đặc điểm lây nhiễm của dịch COVID-19 khiến tôi cũng có chút hơi lo lắng, căng thẳng khi tiếp xúc lấy mẫu những ca đầu tiên. Lúc đó tôi luôn phải tập trung cao độ, căn thời gian để có thể làm nhanh nhất có thể. Dần dần công việc đã thành thường quy và tôi cũng thấy đơn giản hơn nhiều”, anh chia sẻ.

Anh Hoan đã có gia đình và hai con nhỏ. Trong giai đoạn tham gia phòng dịch, anh cũng phải tự cách ly với gia đình tại nhà. Nhiều hôm về muộn, anh nghỉ luôn tại cơ quan để hạn chế tối đa việc tiếp xúc với con nhỏ và người nhà. Cơ quan ở gần nhà, nhưng công việc cứ gối nhau, có thời điểm, anh phải gọi video về nói chuyện với con cho đỡ nhớ.

Gần 1 tháng lăn lộn với công việc ở tuyến đầu phòng dịch, cũng có lúc mệt mỏi, cũng có lúc muốn  "chùng" xuống, nhưng trách nhiệm của một nhân viên y tế, trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng đã cho anh và các anh em trong đội luôn có tinh thần vững vàng, kiên nghị và hơn hết là mong muốn dịch bệnh nhanh được đẩy lùi, trả lại cuộc sống bình yên.

“Nếu dịch còn kéo dài nữa thì chắc chắn tôi vẫn cũng sẽ làm việc như thế”, anh Hoan nhễ nhại mồ hôi sau khi trút bỏ bộ đồ bảo hộ cuối ngày làm việc, chia sẻ với chúng tôi.

Dịch COVID-19 không biết còn kéo dài đến khi nào, những nhân viên y tế cũng chưa biết làm việc đến bao giờ được nghỉ; nhưng chính những nỗ lực và hy sinh của họ, đã giúp cộng đồng thêm an tâm vào đội ngũ phòng dịch nước nhà, và có niềm tin dịch bệnh sẽ được đẩy lùi sớm nhất.

Theo Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Tin liên quan

Một ca mắc COVID-19 ở Việt Nam trở nặng, 3 lần ngừng tuần hoàn

Chiều 8/4, Tiểu ban Điều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 ) cho biết, đêm qua...

Chủ trọ ở TP.HCM bị dân mạng bịa chuyện đuổi đánh bác bảo vệ già

Bác bảo vệ nghèo không trả được tiền nhà, chủ trọ không đòi. Thế nhưng dân mạng lại nói bác...

'Người đi xe tay ga đến nhận quà, chúng tôi cương quyết từ chối'

Chỉ không đến một giờ, nhóm của ông Trung đã phát xong hơn 500 hộp cơm cho người nghèo.

Chưa dám nói trước có dừng hay kéo dài cách ly xã hội qua ngày 15/4

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng khẳng định với VietNamNet: "Tùy tình hình, Chính phủ sẽ quyết định...

Ca bệnh Covid-19 số 243: Ủ bệnh tới 23 ngày hay mới nhiễm trong cộng đồng?

PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết kết quả xét nghiệm không phát hiện kháng thể trong cơ thể bệnh nhân...

Người Sài Gòn rủ nhau chở gạo tới góp, 'ATM gạo' nhân ái tuôn trào như suối

Tiếng lành đồn xa, câu chuyện về chiếc 'ATM gạo' lan tỏa. Nghe tin về hành động hiệp nghĩa của...

Dịch COVID-19 đã xâm nhập vào cộng đồng, cần hết sức cảnh giác

Sáng 8-4, cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Phó...

Tin mới nhất

Dự báo thời tiết ngày 23/11: Hà Nội nhiều mây, sáng sớm trời rét, miền Trung có mưa lớn

17 giờ trước

Thêm thứ này vào nước rồi tưới cho cây khế, hoa sai trĩu cành, kết trái ngọt lịm quanh năm

17 giờ trước

Nỗi oan khó nói của ông chồng bị vợ nghi ngoại tình

1 ngày 8 giờ trước

Vì sao con người lùn đi khi về già?

1 ngày 8 giờ trước

Đàn ông cũng cần được khóc

1 ngày 8 giờ trước

Quảng Nam công bố dịch bệnh chó dại ở 1 huyện

1 ngày 12 giờ trước

Bộ Y tế trả lời về đề nghị cân nhắc sửa toàn diện Luật Bảo hiểm y tế

1 ngày 12 giờ trước

Có 3 loại cây nhà giàu nào cũng thích: Trồng trước nhà hút tài lộc đuổi vận xui, trồng sau...

1 ngày 16 giờ trước

Ăn canh nấm rừng, 8 người bị ngộ độc, phải nhập viện cấp cứu khẩn

1 ngày 16 giờ trước

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình