Chuyện ly hôn hiếm khi nào là không gây đau đớn cho bất kỳ gia đình nào. Mặc dù thế, nhưng vì lợi ích của con cái, đôi khi các bạn nên đưa ra quyết định chia tay êm đẹp, hơn là duy trì một cuộc hôn nhân khổ sở. Nếu được giải quyết đúng cách, cuộc chia tay của cha mẹ sẽ mang lại một tương lai hạnh phúc hơn cho những đứa con. Trong khi nếu cứ duy trì mối quan hệ không hạnh phúc chỉ khiến cho tất cả mọi người trong gia đình đều đau khổ - đặc biệt là những đứa trẻ.
Trẻ sẽ lặp lại mô típ mối quan hệ không lành mạnh của cha mẹ
Trẻ em hấp thụ các mô hình quan hệ ở xung quanh chúng giống hệt như một miếng bọt biển vậy. Khi chúng thấy cha mẹ liên tục cãi vã, chúng cũng sẽ có khuynh hướng làm vậy. Trẻ bắt đầu mặc định chấp nhận tình trạng của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc và nghi ngờ liệu bản thân có khả năng phát triển một mối quan hệ yêu thương và lành mạnh hay không.
Ghen tuông, dễ nổi nóng, không nói chuyện với vợ/ chồng, độc đoán và hay chỉ trích là những hành vi độc hại của cha mẹ có xu hướng sẽ dẫn đến các vấn đề rắc rối trong cuộc sống hôn nhân của những đứa con về sau này.
Chúng có lẽ không bao giờ “quen” được với việc cha mẹ cãi nhau
Trẻ em rất dễ phát hiện ra những cảm xúc tiêu cực và chúng siêu nhạy cảm với những xung đột gia đình có tính chất hủy hoại. Khi cha mẹ thường xuyên thể hiện sự không tôn trọng dành cho nhau, tình trạng cảm xúc và mối quan hệ xã hội của con họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tình trạng căng thẳng giữa cha mẹ sẽ đe dọa cảm giác an toàn của trẻ, khiến chúng cảm thấy bị từ chối, cảm giác tội lỗi và thấy lạc lối trong cuộc sống. Và thay vì giải bày để giải quyết với cha mẹ, cuối cùng nhiều khả năng chúng sẽ trở thành những người trưởng thành với lòng tự trọng thấp, có vấn đề về lòng tin và cảm giác không trân trọng bản thân.
Kết quả là trẻ trở nên dễ bị căng thẳng hơn
Khi trẻ không cảm thấy an toàn trong chính ngôi nhà của mình, nhiều khả năng chúng sẽ rất dễ trở nên căng thẳng và xem nhiều tình huống bình thường trong cuộc sống là nguy hiểm. Sự bất an khiến chúng thường xuyên gặp ác mộng và cảm thấy sợ hãi.
Khi con cái của những ông bố bà mẹ độc hại lớn lên, chúng sẽ khó chấp nhận được sự thật rằng trong mối quan hệ giữa con hai người luôn sẽ nảy sinh những hiểu lầm và mâu thuẫn. Chúng dễ tự phê bình bản thân và ngay cả khi đối mặt với những khó khăn không quá nghiêm trọng, trẻ cũng sẽ trải qua cảm giác rất khổ sở do hành vi tự lên án chính mình.
Trẻ gặp khó khăn khi xây dựng nhiều loại mối quan hệ khác nhau
Trẻ em sống trong một môi trường độc hại không chỉ có nguy cơ cao hình thành những mối quan hệ lãng mạn không lành mạnh khi trưởng thành, mà thậm chí cách một đứa trẻ nhận thức về bất kỳ loại quan hệ gắn kết nào với người khác cũng bị ảnh hưởng. Xung đột gia đình sẽ khiến trẻ thấy khó khăn trong việc xây dựng mối quan hệ cân bằng với bạn bè, còn mối quan hệ với anh chị em ruột có thể hoặc là bảo bọc quá mức hoặc trở nên rất xa cách.
Trong những gia đình không hạnh phúc, trẻ em dường như không có bất kỳ khả năng nào để ngăn chặn những gì đang xảy ra với chúng. Vì vậy, khi trưởng thành, nhiều khả năng chúng sẽ thấy rất khó để nói ra về những gì không thích ở người bạn đời, để thiết lập những ranh giới lành mạnh.
Trẻ sẽ cố làm tê liệt cảm xúc của mình và tiếp thu những thói quen xấu
Trẻ em thường sẽ bắt đầu có những hành động nhằm để kiềm hãm các cảm xúc tồi tệ của chúng. Theo đó, để đối phó với tình huống căng thẳng trong gia đình, chúng rất có thể sẽ hình thành một số thói quen không lành mạnh.
Những thói quen này có thể là ăn quá nhiều, nghiện trò chơi điện tử hoặc các loại hành vi khác để trốn tránh thực tế. Trẻ em cũng có thể bộc lộ cảm xúc khó chịu một cách gián tiếp, như không muốn đến trường, gây gổ với bạn bè cùng trang lứa và trở nên tức giận khi chơi đồ chơi.
Trẻ trở nên sợ hãi cảm xúc của chính mình
Khi mọi người chỉ trích và tức giận không có nghĩa là họ không còn tôn trọng nhau, họ vẫn có khả năng duy trì một mối quan hệ bình thường. Nhưng những hành động mang tính hủy hoại giữa cha mẹ như tránh mặt nhau, gây hấn bằng lời nói và bỏ đi có thể khiến trẻ cảm thấy rằng bày tỏ cảm xúc của bản thân không phải là một việc an toàn.
Trẻ bắt đầu nghĩ rằng tức giận và chỉ trích là nguồn cơn cho một mối nguy hiểm kinh khủng. Và tất nhiên, chúng sẽ tiếp tục lặp lại những hành vi độc hại của cha mẹ trong các mối quan hệ khi trưởng thành.
Trẻ em thường sẽ phát triển tốt hơn khi không ở trong một môi trường độc hại, ngay cả khi cha mẹ của chúng đã chia tay. Trong khi những người lớn lên trong không khí gia đình căng thẳng dễ bị lo âu, trầm cảm và các vấn đề khác, những đứa trẻ có cha mẹ ly hôn theo thời gian thường thích nghi rất tốt và trưởng thành lành mạnh.
Tuy nhiên tất cả những điều này chỉ đúng khi cha mẹ của đứa trẻ chấp nhận duy trì mối quan hệ thân thiện và tìm cách để có một cuộc ly hôn lành mạnh, trong đó con cái họ là mối quan tâm hàng đầu.
Bạn có biết người bạn nào của mình đang gặp khó khăn để đưa ra quyết định nên ở lại hay rời khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc không? Bạn nghĩ điều gì là tốt nhất cho những đứa trẻ trong tình huống này?