Yêu đương hoàn toàn cần phải có tình cảm. Muốn lãng mạn như thế nào thì cứ thế mà làm, bạn cũng không cần thiết phải xem xét điều kiện. Lúc yêu thì chỉ cần có tình yêu, cảm giác thấy đúng thì mọi thứ có vẻ đã ổn. Thế nhưng một khi bước vào hôn nhân, bàn tính chuyện thành gia lập thất thì nhất định phải đối diện với một số hiện thực, có thể cũng phải thực tế một chút.
Muốn tình yêu bền vững, hạnh phúc dài lâu thì đừng bỏ qua những điều vô cùng quan trọng được đúc kết lại từ các chuyên gia tư vấn tình cảm dành cho các cặp đôi đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa hôn nhân dưới đây:
1. Tình yêu không thể xem như cơm ăn, nhưng cũng không thể không ăn
Có người nói tình yêu không thể xem như cơm ăn, thật ra thì tình yêu tốt đẹp không phải lúc nào cũng hiện hữu và cũng không phải ai cũng may mắn có được. Tuy không thể xem như cơm ăn nhưng càng không thể không ăn. Bất cứ khi nào cũng vậy, tình yêu luôn là tiền đề của hôn nhân. Nếu như không có tình yêu thì ngàn vạn lần cũng đừng bước vào ngưỡng cửa hôn nhân. Nếu lỡ như đợi sau khi kết hôn xong bạn mới gặp được tình yêu đích thực của mình, bạn sẽ rơi vào hoàn cảnh đứng núi này mà trông núi nọ, hối hận cũng muộn rồi.
2. Hôn nhân cần thực tế, nhưng không có nghĩa là phải tầm thường
Yêu đương hoàn toàn cần phải có tình cảm. Muốn lãng mạn như thế nào thì cứ thế mà làm, bạn cũng không cần thiết phải xem xét điều kiện. Lúc yêu thì chỉ cần có tình yêu, cảm giác thấy đúng thì mọi thứ có vẻ đã ổn. Thế nhưng một khi bước vào hôn nhân, bàn tính chuyện thành gia lập thất thì nhất định phải đối diện với một số hiện thực, có thể cũng phải thực tế một chút. Không phải chỉ có tình yêu thôi là đủ, nhưng cũng không nên chỉ biết nghĩ đến lợi ích của bản thân mình. Giống như bạn phải quan tâm đến tâm hồn của đối phương nữa chứ không phải chỉ vì vẻ ngoài hay gia thế của họ.
3. Vật chất không thể thiếu, nhưng phải do chính bản thân tạo ra
Tôn thờ vật chất không phải là chuyện sai trái gì, tôi cũng chẳng phản đối việc này. Có ai mà không mê tiền cơ chứ? Có tiền rồi thì làm gì cũng được. Kết hôn là những tháng ngày phải lo nghĩ chuyện củi muối gạo dầu, cho nên vật chất không thể thiếu được. Tuy nhiên cũng không phải lúc nào cũng khao khát đến chuyện gia đình đối phương giàu có thế nào, cho bạn cuộc sống sung túc ra sao. Cuộc sống do bạn tự kiến tạo ra mới là một cuộc sống chân chính, và cũng là điều khiến bạn cảm thấy đáng tự hào. Hãy nhớ rằng, khi bước vào hôn nhân thì vật chất không thể thiếu, nhưng phải do chính bản thân mình tạo ra.
4. Tuổi tác tâm hồn quan trọng hơn tuổi tác sinh lý
Trước khi kết hôn đôi bên dĩ nhiên phải tìm hiểu lẫn nhau, vì hiện nay kết hôn vội vàng càng ngày càng nhiều, những người chỉ nhìn bề ngoài đã bước vào hôn nhân càng lúc càng đông. Ví dụ như người con gái muốn tìm một người đàn ông chững chạc, họ chỉ cần nhìn thấy một người đàn ông có tuổi tác sinh lý lớn một chút hoặc vẻ ngoài trông có vẻ già dặn thì cho rằng đó là đàn ông trưởng thành. Bình thường mà nói thì đúng là như thế, tuy nhiên bây giờ chỉ dựa vào những điều như vậy thì không còn chính xác nữa. Rất nhiều đàn ông tuy đã qua tuổi tự lập từ lâu nhưng tâm lý không hề chững chạc, ngược lại còn rất trẻ con, cho nên chỉ nhìn bề ngoài thì không đáng tin đâu. Vẻ ngoài chỉ là để đánh lừa người khác, biết đâu bên trong họ cực kì ấu trĩ, giống như một đứa bé chưa dứt sữa mẹ vậy. Nếu như bạn muốn dựa dẫm họ, vậy thì chẳng khác nào dựa vào một đứa trẻ to xác.
5. Tiếp xúc nhiều, hiểu biết nhiều sẽ không bao giờ có hại
Thời gian yêu đương trước khi bước vào hôn nhân không thể chỉ nhìn ngắn dài, mà càng phải xem chất lượng hoặc hiệu quả thu được khi yêu. Có người yêu nhau 3 năm nhưng lại chẳng tiếp xúc bao nhiêu, có người chỉ hẹn hò 3 tháng nhưng ngày nào cũng gặp gỡ, trò chuyện - dĩ nhiên kết quả sẽ khác nhau rõ rệt.
6. Cần phải trò chuyện nhiều hơn về cách nhìn nhận đời sống và tình cảm hôn nhân
Yêu đương chính là khúc nhạc mở đầu của hôn nhân, trừ phi mục đích yêu đương của bạn đơn thuần chỉ là để vui đùa, căn bản không muốn tiến vào hôn nhân, nếu không thì hãy nhớ nắm giữ thật chặt giai đoạn tìm hiểu khi yêu nhau, để càng hiểu sâu hơn về đối phương chứ đừng để kết hôn xong rồi mới lo đi tìm hiểu rồi chua xót thốt lên rằng: “Hoá ra cô/anh là người như thế này à?”. Vốn dĩ họ là như vậy rồi, chẳng qua chỉ tại bản thân bạn không biết mà thôi.
Vậy cần phải tìm hiểu những gì?
Có những người lúc hẹn hò dường như trò chuyện rất sôi nổi, rất hợp nhau nhưng tiếc là họ chỉ toàn nói đến những vấn đề như ăn uống vui chơi. Như vậy nhìn qua chỉ giống như bạn bè chứ không giống tình nhân. Yêu nhau ngoài việc nói đến chuyện vui chơi ăn uống ra, quan trọng hơn phải tìm hiểu về nhân sinh quan, giá trị quan, hôn nhân quan… Nếu như nhân sinh quan, giá trị quan và hôn nhân quan không được nhất trí với nhau thì sau này mâu thuẫn xảy ra không ngừng. Ít nhất thì bạn cũng phải ý thức được suy nghĩ của đối phương về ba điều này.
7. Phải biết hiếu kính với cha mẹ, nhưng không nhất thiết phải ở chung
Những người trẻ tuổi hiện nay, ý thức tự chủ càng lúc càng mạnh mẽ, chủ trương sống riêng cũng càng lúc càng nhiều. Cho nên dù là cha mẹ của chính mình có can thiệp cũng khó lòng mà giao tiếp và tương tác trọn vẹn. Bởi vì hoàn cảnh sống, nhân sinh giá trị quan của hai thế hệ hoàn toàn khác nhau. Đôi khi cha mẹ không hề sai, chỉ là sự khác biệt thế hệ dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình. Chính vì vậy, theo ý kiến của tôi thì sau khi kết hôn tốt nhất là nên sống riêng với cha mẹ. Có thể sẽ có người cho rằng, như vậy có phải là bất hiếu hay không? Đương nhiên không phải, tất nhiên cần phải hiếu kính với cha mẹ, nhưng cũng có rất nhiều cách. Hiếu kính không nhất thiết phải ở cùng cha mẹ, cha mẹ bạn vẫn có thể tự chăm sóc tốt cho bản thân họ. Điều này có thể khiến cho những bậc cha chú lớn tuổi cảm thấy bất mãn, nhưng thật ra cần phải thay đổi quan niệm. Tại sao nhất định phải ở cùng với con cái? Con cái trưởng thành rồi, có thể tự lo cho bản thân mình, sự can thiệp của cha mẹ có thể gây ra những phiền phức. Vậy thì tại sao không tận hưởng tuổi già?
8. Cái gì cũng có thể so sánh chỉ duy nhất hôn nhân là không thể
Con người thường hay có tâm lý so sánh trong vô thức. Điều này cũng không có gì quá kì quặc, bạn có mà tôi cũng sẽ có tâm lý này. Trong nhiều trường hợp, tâm lý so sánh thúc đẩy chúng ta làm việc chăm chỉ hơn để đuổi kịp người khác. Công việc, học hành, sự nghiệp...vv...vv…, những trường hợp này thì có thể so sánh. Nhưng những ngày tháng hôn nhân thì tốt nhất đừng nên so sánh mà làm gì. Bởi vì những ngày tháng đó là sống cho chính bản thân bạn, không phải sống cho người khác xem, việc gì phải cho so sánh? So sánh quá mức chỉ khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, mà cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến cho tình cảm vợ chồng rạn nứt. Ví dụ bạn cứ lấy chồng mình hoặc vợ mình ra để so sánh với gia đình người khác, điều này không những không giúp giải quyết vấn đề mà còn làm đối phương tổn thương cũng như kéo theo những mâu thuẫn khác.
9. Hai người có phẩm chất tốt chưa chắc đã thích hợp để làm vợ chồng
Phụ nữ tìm chồng, đàn ông tìm vợ - tính cách tất nhiên là điều kiện đầu tiên phải xem trọng, cũng là một trong những tiền đề để xem xét. Người có phẩm chất không tốt, bất luận họ có ưu tú cỡ nào, nhiều tiền cỡ nào hay tài năng ra sao thì cũng đều là phí công vô ích. Hôn nhân cũng giống như việc bạn mang giày, chân vừa giày cũng vừa, nhưng chưa chắc đã thích hợp. Cho nên, tìm đối tượng để kết hôn - ngoài việc nhìn phẩm chất của họ, càng phải xem hai người có thích hợp, có môn đăng hộ đối hay không. Đương nhiên thời nay khi nhắc đến môn đăng hôn hộ đối nó đã không đơn thuần chỉ là một khái niệm, mà còn là sự tổng hợp của giá trị quan trong đời sống, tính cách, bối cảnh gia đình...