Công trình đứng đầu bởi tiến sĩ Eileen Leary từ Đại học Stanford ở Palo Alto, California, Mỹ. Bài công bố trên JAMA Neurology cho biết nguy cơ chết sớm sẽ tăng từ 13-17% khi giấc ngủ REM bị giảm 5%.
Giấc ngủ REM, tức "giai đoạn chuyển động mắt nhanh" trong giấc ngủ, chính là lúc bạn ngủ sâu nhất và nằm mơ. Khác với suy nghĩ trước đây cho rằng việc hay mộng mị khiến giấc ngủ kém chất lượng, khoa học hiện đại chứng minh chính giấc ngủ có giai đoạn REM đầy đủ mới là giấc ngủ đủ sâu và chất lượng.
Công trình mới này khẳng định không chỉ não bộ mà mọi cơ quan trong cơ thể đều phải chịu thiệt thòi nếu chủ nhân có những giấc ngủ ngắn, chập chờn và không kịp nằm mơ.
Theo nghiên cứu mới này, cần có chiến lược đối với trưởng thành có ít hơn 15% giấc ngủ là giai đoạn REM. Thông thường nếu thời gian ngủ quá ngắn, bạn sẽ không kịp hoặc chỉ mới nằm mơ đã thức giấc, tức giai đoạn REM bị hạn chế.
2.600 tình nguyện viên đã tham gia cuộc khảo sát kéo dài 12 năm; 1.400 người khác được theo dõi tận 21 năm để phục vụ cho nghiên cứu này.
Ngoài thời gian ngủ đủ, một nghiên cứu khác cũng vừa công bố cách đây vài tuần của Trung tâm Tâm thần tích hợp (ZIP - Đức) còn gợi ý một cách thú vị để có giấc ngủ REM chất lượng: ngủ cùng bạn đời. Nghiên cứu cho thấy việc ngủ 2 người không những không khiến bạn dễ thức giấc mà còn giúp giai đoạn ngủ REM sâu hơn, chất lượng hơn.