Thủ tướng: 'Trời quang mây tạnh' cũng không được chủ quan với bão Noru
Sáng 26/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trước những diễn biến phức tạp của bão Noru khi áp sát đất liền, người đứng đầu Chính phủ đã dành thời gian chỉ đạo về công tác ứng phó với cơn bão số 4 - bão Noru.
Trước lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại cơn bão Durian xuất hiện vào cuối năm 2006 đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, với khoảng 10.000 tỷ đồng ở thời điểm đó.
Do đó, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, nhất là tỉnh, thành phố miền Trung phải tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.
Thủ tướng cũng cho biết ông vừa gọi điện cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố miền Trung và được báo cáo là ở nhiều nơi vẫn "trời quang mây tạnh".
"Điều này có thể khiến nhiều người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác", Thủ tướng nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đồng thời không để người dân chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước diễn biến của bão.
Trong đó, các đơn vị cần khẩn trương rà soát, kêu gọi tàu thuyền, ngư dân nằm trong vùng nguy hiểm tìm nơi tránh trú; rà soát kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn hồ đập, lồng bè nuôi trồng thủy sản; ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ lụt sau bão…
Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương, nhất là người đứng đầu phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa, bảo đảm an toàn, tính mạng và tài sản của người dân, của Nhà nước trong bối cảnh thời tiết, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bão số 4 giật cấp 16 tạo sóng cao 9-11 m, di chuyển nhanh vào Trung Bộ
Vị trí, đường đi của bão số 4. Ảnh: NCHMF
Lúc10 giờ ngày 26/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 118,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (118-133km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 210km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 100km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km có xu hướng mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 27/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,7 độ Vĩ Bắc; 113,2 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực phía Đông Nam quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (134-149km/giờ), giật cấp 16.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km và tiếp tục mạnh thêm. Đến 10 giờ ngày 28/9, vị trí tâm bão ở khoảng 15,6 độ Vĩ Bắc; 108,5 độ Kinh Đông, trên khu vực đất liền Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133km/giờ), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 đến 48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 12,0 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 117,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền, đê, kè biển, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 4.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi sâu vào đất liền khu vực Trung Trung Bộ, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển, nước dâng do bão vùng ven bờ: Vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực Giữa Biển Đông có mưa bão, gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11; vùng gần tâm bão cấp 12-14, giật cấp 16; sóng biển cao từ 9-11m; biển động dữ dội.
Từ trưa 27/9, vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Ninh Thuận (bao gồm huyện đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-14, giật cấp 16, sóng biển cao 8-10m, biển động dữ dội. Từ tối và đêm 27/9 vùng biển ven bờ khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sóng biển cao 3-5m, vùng gần tâm bão 6-8m. Khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi cần đề phòng nước dâng do bão cao 1,0-1,5m gây ngập úng tại khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông. Toàn bộ tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản và các hoạt động tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn, lốc xoáy và nước biển dâng do bão.
Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ gần sáng ngày 28/9, khu vực ven biển từ Quảng Bình trở vào đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, giật cấp 9-10; ven biển khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, từ sáng sớm ngày 28/9 có gió mạnh cấp 9-10, vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 14-15, các khu vực sâu hơn trong đất liền gió mạnh cấp 8-9; giật cấp 12-13; khu vực Kon Tum, Gia Lai ngày 28/9 có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7-8, có nơi cấp 9, giật cấp 11.
Cảnh báo mưa lớn: Từ chiều 27/9 đến ngày 28/9, khu vực Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 250-350mm/đợt, có nơi trên 400mm/đợt; khu vực Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt. Từ ngày 28/9, mưa lớn có xu hướng mở rộng ra khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Đồng Bằng Bắc Bộ.
Chuyên gia quốc tế: Bão Noru tiệm cận một siêu bão
Các đài khí tượng thế giới nhận định, bão Noru rất mạnh và không có dấu hiệu giảm cấp khi gần bờ.
Thống nhất về hướng di chuyển nhưng các đài khí tượng lớn trên thế giới nhận định khác biệt về cường độ của bão Noru. Mỹ và Trung Quốc cho rằng, bão sẽ mạnh cấp 15-16, tiệm cận cấp siêu bão khi gần bờ biển miền Trung nước ta. Hồng Kông nhận định, bão Noru sẽ đạt cấp 14-15 khi gần bờ trong khi Nhật Bản nhận định, bão đạt cấp 13-14 khi gần bờ.
Dù nhận định khác biệt về cường độ song các cơ quan khí tượng lớn trên thế giới thống nhất, Noru sẽ là cơn bão rất mạnh với sức tàn phá khủng khiếp và không có dấu hiệu giảm cường độ khi gần bờ.
Cơn bão mạnh Noru đang được các cơ quan khí tượng quốc tế theo dõi chặt chẽ. Đến nay, hầu hết các đài khí tượng lớn trên thế giới đều có nhận định giống nhau về hướng di chuyển của bão Noru.
Theo đó, tâm bão sẽ đi qua khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định, thời gian đổ bộ vào ngày 28/9. Riêng cơ quan khí tượng của Hồng Kông nhận định, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đất liền vào sáng sớm 28/9. Cơ quan khí tượng Trung Quốc nhận định, bão sẽ đổ bộ vào sáng 28/9.
Cho học sinh nghỉ học phòng, chống bão Noru
Bộ GD&ĐT vừa gửi công điện tới các Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc chủ động ứng phó cơn bão Noru gần biển Đông.
Công điện nêu rõ, theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, đêm ngày 25/9, bão Noru vào biển Đông với sức gió cấp 9-10, giật cấp 13 và có xu hướng mạnh thêm; đến ngày 27/9, sáng ngày 28/9 bão đổ bộ khu vực miền Trung với sức gió vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Do ảnh hưởng của bão, từ trưa và chiều 25/9, ở vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11; cấp độ rủi ro thiên tai trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc và Giữa Biển Đông: Cấp 3. Ngoài ra, khu vực Bắc Trung Bộ hiện đã có mưa lớn từ 100-200mm và còn tiếp tục mưa trong những ngày tới.
Để chủ động ứng phó bão Noru và mưa lớn kéo dài ở khu vực miền Trung, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu Giám đốc Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận theo dõi thường xuyên diễn biến của mưa bão; phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ địa phương để kịp thời ứng phó trong trường hợp khẩn cấp. Bảo đảm an toàn cho học sinh, giáo viên khi đến trường.
"Những nơi nguy hiểm do mưa bão cần kịp thời thông báo cho học sinh nghỉ học; sẵn sàng hỗ trợ người dân tránh trú trong các trường học khi bảo đảm an toàn", Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu.
Các địa phương chủ động các biện pháp phòng tránh mưa ngập, lên phương án bảo đảm an toàn, giảm thiểu thiệt hại về cơ sở vật chất, công trình trường học, tài liệu, sách vở và dụng cụ học tập. Chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ (nếu có) để sớm đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường.