Hiện tượng thiếu máu xảy ra khi cơ thể bạn không có đủ hồng cầu. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do mất nhiều máu hoặc giảm số lượng huyết sắc tố chức năng ở máu ngoại vi, dẫn đến máu thiếu oxy để cung cấp cho các mô tế bào trong cơ thể.
Có nhiều loại bệnh thiếu máu. Loại phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt. Các tế bào hồng cầu chứa một loại protein có lên là Hemoglobin. Hemoglobin chứa đầy sắt. Nếu không có đủ chất sắt, cơ thể bạn sẽ không thể tạo ra Hemoglobin. Từ đó dẫn đến thiếu máu giàu oxy.
Đối với những bệnh nhân thiếu máu, một trong những mối quan tâm hàng đầu chính là thiếu máu nên ăn gì để mau chóng phục hồi, bổ sung máu cho cơ thể. Dưới đây là những thực phẩm cho người thiếu máu nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Thực phẩm cho người thiếu máu
Chế độ ăn dành cho bệnh nhân thiếu máu bao gồm các loại thực phẩm giàu chất sắt (sắt Heme và sắt Nonheme, Heme được hấp thụ dễ dàng hơn), cùng các vitamin thiết yếu cho việc sản xuất Hemoglobin và hồng cầu. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng cần bổ sung thêm các loại thực phẩm khác giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn.
1. Thịt đỏ
Tất cả thịt gia súc và gia cầm đều chứa chất sắt Heme là loại sắt dễ được hấp thụ. Đặc biệt là các loại thịt đỏ: thịt bò, thịt cừu và thịt nai là những nguồn cung cấp Heme dồi dào.
Lượng sắt trong thịt bò tập trung nhiều ở phần thịt nạc, ít hơn ở phần gân và mỡ bò. Trong 100g thịt bò nạc có tới 3,1mg sắt, chiếm tới 21% lượng sắt cần thiết trong một tuần.
Gia cầm như gà, vịt có số lượng thấp hơn. Ăn kết hợp thịt đỏ với thực phẩm chứa sắt Nonheme, chẳng hạn như rau lá xanh, có thể làm tăng sự hấp thu sắt của cơ thể.
2. Rau có màu xanh đậm
Rau xanh, đặc biệt những rau có màu xanh đậm, là một trong những nguồn cung cấp sắt Nonheme tốt nhất. Chúng bao gồm: Rau chân vịt (cải bó xôi), cải xoăn, rau bồ công anh, cần tây, lá lốt, rau ngót, rau bí, cải xoong…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 300 – 500gam rau chân vịt có thể cung cấp tới 3mg sắt.
Rau chân vịt cung cấp Nonheme-iron, loại sắt khó hấp thụ hơn so với Heme iron trong thịt động vật. Tuy nhiên, nó chứa nhiều vitamin C - đặc biệt hữu ích trong việc thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt của cơ thể.
3. Các loại đậu
Các loại đậu như đậu đỏ, đậu trắng, đậu xanh, đậu nành, đậu Hà Lan… cung cấp rất nhiều sắt, protein và chất xơ.
1/2 cup đậu trắng có thể cung cấp cho bạn khoảng 3,5mg sắt, cùng 8,5g protein và 5,5g chất xơ. Trong khi, cùng trọng lượng đó, đậu đỏ có chứa khoảng 2,5mg sắt, 6,5g chất xơ và 7,5g protein thực vật.
4. Các loại hạt
Các loại hạt là nguồn cung cấp sắt không thể bỏ qua. Bạn có thể ăn trong những bữa phụ hoặc chế biến cùng các loại salad ăn kèm vẫn đảm bảo được độ thơm ngon. Một số loại hạt có chứa sắt bao gồm: Hạt bí ngô, hạt điều, hạt thông, hạt hướng dương...
5. Hải sản
Hải sản là nguồn thực phẩm cho người thiếu máu đa dạng và phong phú bậc nhất. Người bị thiếu máu nên thường xuyên bổ sung các loại hải sản tươi vào thực đơn ăn uống hàng ngày để cải thiện tình trạng sức khỏe.
Các loại hải sản như sò, trai, hàu và tôm là những nguồn cung cấp sắt tốt và rất giàu vitamin B12 giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu..
Hầu hết các loại cá đều chứa sắt. Những loại cá có hàm lượng sắt cao bao gồm: Cá ngừ, cá thu, cá hồi, cá cơm, cá tuyết, cá rô…
Để hấp thụ tối ưu nguồn sắt trong hải sản, cần sử dụng hải sản tươi sống, hoặc được bảo quản lạnh tốt, tránh các thực phẩm ươn, đóng hộp.
6. Gan
Nhiều người thường e dè việc thêm nội tạng động vật vào chế độ ăn uống. Tuy nhiên trên thực tế, nội tạng động vật chính là nguồn cung cấp chất sắt tuyệt vời nếu bạn ăn đúng cách. Ngoài gan, bạn có thể ăn tim, thận hoặc lưỡi bò. Ước tính, trong 100g gan bò có chứa tới 6,5mg sắt. Ngoài ra, gan còn chứa nhiều vitamin A rất tốt cho đôi mắt.
7. Đậu phụ
Đậu phụ là món ăn phổ biến ở một số nước châu Á, và được những người ăn chay sử dụng thường xuyên. Trong 126g đậu phụ có 3,6mg sắt. Ngoài ra, đậu phụ còn chứa hợp chất Isoflavone - giúp tăng cường nội tiết tố ở phụ nữ tiền mãn kinh, giảm nguy cơ đau tim.
8. Khoai tây nướng
Khoai tây, đặc biệt là phần vỏ, rất giàu sắt. Một củ khoai (cỡ vừa) trong vỏ chứa tới 2mg sắt. Ngoài ra, khoai tây còn cung cấp chất xơ, Carbohydrate, vitamin C và Kali, rất tốt cho sức khỏe.
9. Socola đen
Đừng bỏ qua socola đen nếu bạn muốn bổ sung sắt. Trong 28g socola đen có 3,3 mg sắt. Ngoài ra, việc ăn socola đen còn cung cấp cho bạn các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như đồng, magie.
Ăn socola đen thường xuyên còn có thể giúp bạn giảm lượng cholesterol trong máu, từ đó giảm nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.
Thiếu máu nên ăn hoa quả gì?
Thay đổi chế độ ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch điều trị bệnh thiếu máu, việc bổ sung thêm các loại hoa quả giàu sắt rất quan trọng để sức khỏe nhanh hồi phục. Người bị thiếu máu nên ăn những loại hoa quả dưới đây:
1. Quả nho
Nho là loại quả cần được bổ sung ngay vào thực đơn cho người thiếu máu. Bởi quả nho chứa rất nhiều chất dinh dưỡng giúp bổ máu như canxi, phốt pho, sắt… Không những vậy, trong nho còn chứa chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa các cục máu đông.
Đặc biệt, trong quả nho đen chứa hàm lượng vitamin C và sắt rất cao, giúp tăng cường khả năng hấp thụ sắt, từ đó làm tăng Hemoglobin tạo máu.
2. Dâu tây và quả mâm xôi
Đây là hai “siêu thực phẩm” trả lời tốt nhất cho câu hỏi “thiếu máu nên ăn quả gì”. Trong cả dâu tây và mâm xôi đều rất giàu folate, cacbohydrate, kẽm, chất xơ, chất chống oxy hóa và chứa hàm lượng vitamin C cao, chúng sẽ giúp cơ thể tăng cường khả năng hấp thụ sắt và tăng cường miễn dịch.
3. Lựu
Trong quả lựu chứa rất nhiều sắt, canxi, magie, vitamin C,... có vai trò chống oxy hóa và tăng hấp thu sắt, tham gia tạo máu trong cơ thể.
4. Hồng xiêm
Hồng xiêm rất giàu sắt, canxi, photpho, các vitamin và khoáng chất. Hơn nữa, đây là loại quả có vị ngọt lịm hấp dẫn, dễ ăn, nên hồng xiêm được coi là thực phẩm bổ sung sắt cho bé được các mẹ hay lựa chọn.
5. Quả mận
Quả mận chứa nhiều chất xơ, magie, sắt, một lượng vitamin A, E khá cao giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do gây hại, giúp ngăn ngừa bệnh hiệu quả.
Lưu ý khi bổ sung thực phẩm cho người thiếu máu
Cần lưu ý rằng, một số thực phẩm không chứa sắt nhưng có chức năng hỗ trợ tăng hấp thu sắt. Đó là những thực phẩm chứa nhiều vitamin C như họ cam quýt, ớt, cà chua.
Bên cạnh đó, cần tránh một số loại thực phẩm làm giảm khả năng hấp thụ sắt như cà phê, trà.
Thực phẩm giàu canxi như sữa tươi, sữa chua, hạnh nhân,… không nên ăn cùng lúc với thức ăn giàu sắt.
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm chuyên biệt hỗ trợ điều trị thiếu máu như: thực phẩm chức năng cho người thiếu máu, sữa dành cho người thiếu máu. Tuy nhiên cần cân nhắc vào tình trạng thiếu máu để quyết định sử dụng những loại sản phẩm này.
Nếu tình trạng thiếu máu không quá nghiêm trọng, hãy chọn cách bổ sung những thực phẩm cho người thiếu máu kể trên thay vì vội vã dùng thuốc hay thực phẩm chức năng. Thực phẩm luôn là chìa khóa tốt nhất để hạn chế và ngăn ngừa các loại bệnh.
Dù không mắc bệnh thiếu máu, hoặc bệnh nhân thiếu máu sau hồi phục cũng nên thường xuyên bổ sung các thực phẩm chống thiếu máu để luôn có một sức khỏe tốt và tràn đầy năng lượng.