Trước tình trạng dịch chồng dịch tại nhiều địa phương, nhất là các tỉnh phía Nam, chiều 9-10, Bộ Y tế đã gặp mặt báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm này.
Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 61.800 trường hợp mắc tay chân miệng rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.
Tuy vậy, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây như: TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội. Số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam chiếm 77,6%, miền Bắc chiếm 10,6%, miền Trung chiếm 10,1% và Tây Nguyên chiếm 1,7%.
10 tỉnh có số mắc tích lũy trên 100.000 dân cao nhất nước: Đồng Nai, TP HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Long An, Tây Ninh và Quảng Ngãi. Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%). Các tuýp virus chủ yếu là EV71 chiếm 21%, các EV khác là 20%, Coxsackie A10 là 6%, Coxsackie A6 là 3%, virus đường ruột khác là 4%. EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây bệnh tay chân miệng ở Việt Nam.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin dự phòng; bệnh thường ghi nhận cao vào tháng 9 đến tháng 11 hằng năm, đặc biệt là mùa đầu năm học mới do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn thấp kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên trong nhà trẻ, trường mẫu giáo nên nguy cơ lây truyền trong cộng đồng còn cao trong thời gian tới nếu không tích cực, chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống.
Trong khi đó dịch sốt xuất huyết (SXH) đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Nam và miền Trung. So với cùng kỳ 2017, số mắc cả nước giảm hơn 50%, số tử vong giảm 22 trường hợp nhưng 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận 67.414 trường hợp mắc tại 62/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong tại Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Cà Mau, Khánh Hòa, An Giang, Bình Định, Trà Vinh và TP HCM.
Kết quả xét nghiệm cho thấy xuất hiện cả 4 tuýp virus lưu hành với tỉ lệ 32,4% D1, 46,6% D2, 0,2% D3, 20,8% D4. Bộ Y tế nhận định dịch SXH có thể kéo dài đến hết tháng 11. Hiện bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin chưa được sử dụng tại Việt Nam.
Tại các tỉnh miền Bắc, cùng với dịch tay chân miệng, SXH, bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 3.000 trường hợp sốt phát ban tại 51 tỉnh, thành phố, trong đó 1.093 trường hợp mắc sởi dương tính tại 40 tỉnh, thành phố, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc sốt phát ban tăng 10,2 lần. Các ca mắc sởi lẻ tẻ, tản phát, không thành ổ dịch lớn.
Độ tuổi mắc chủ yếu ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi có 628 trường hợp mắc (chiếm 21,4%) và 1-4 tuổi có 1.106 trường hợp (37,8%). Có 399 trường hợp đã được tiêm chủng (chiếm 13,6%), còn lại phần lớn là các trường hợp không được tiêm chủng (1.302 trường hợp, chiếm 44,5%) và không rõ tiền sử tiêm chủng (1.227 trường hợp, chiếm 41,9%).
Bộ Y tế nhận định, tại Việt Nam, bệnh sởi xuất hiện rải rác tại 40 tỉnh, thành phố. Chủ yếu bệnh nhân mắc sởi đều không tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng (86,4%).
Trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc bệnh sởi rải rác tại các địa phương do tỉ lệ tiêm chủng chưa đạt 95% quy mô xã, phường, đặc biệt tại khu vực di biến động dân cư lớn, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn, vùng đồng bào dân tộc sinh sống. Bệnh sởi chủ yếu mắc rải rác, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc, tuy nhiên hiện đã ghi nhận một số trường hợp mắc sởi rải rác tại các tỉnh khu vực miền Nam.