Đường ống nước vỡ, 33 triệu đồng "đi tong"
Càng nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt càng tăng mạnh.
Tuy nhiên, thực tế đã có không ít gia đình lâm vào tình cảnh trớ trêu khi họ nhận được hóa đơn tiền nước sinh hoạt với số tiền "khủng" lên tới vài chục triệu đồng.
Theo Vietnamnet, bà Nguyễn Kim Huê (72 tuổi, ngụ xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, Tây Ninh) dùng chung đồng hồ nước với hộ người cháu cạnh nhà. Mỗi tháng gia đình bà chỉ sử dụng khoảng 20-30 khối nước, tương đương với số tiền khoảng 200 ngàn đồng/tháng.
Nhưng vào giữa tháng 5/2019, bà nhận được giấy báo thu tiền nước tháng 5/2019 với số tiền hơn 33,4 triệu đồng, tương đương hơn 4.000 khối nước.
Điều đáng nói là bà Huê sống một mình, thường đi công việc từ sáng tới tối mới về nên sử dụng nước rất ít. Trong khi đó hộ người cháu chủ yếu sống ở nước ngoài, thỉnh thoảng mới về Việt Nam.
Thấy hóa đơn tiền nước vô lý, bà Huê đã phản ánh đến Công ty Cấp thoát nước Tây Ninh thì được giải thích là, do đường ống bị vỡ. Không muốn phiền phức, người cháu đã đóng tiền cho êm chuyện.
Hốt hoảng với hóa đơn tiền nước 19 triệu/tháng ở Hà Nội
Mùa hè năm 2016, gia đình bà Hoàng Thị Hòa (60 tuổi) và ông Trần Công Ứng (62 tuổi) trú tại số 10 xóm Lẻ, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cũng phải chịu cảnh hóa đơn tiền nước tăng vọt lên bất thường.
Theo báo Phụ nữ Online, trong 3 tháng đầu năm 2016, nhà bà Hòa chỉ sử dụng hết lần lượt là 254.000, 472.000 và 170.000/tháng, tuy nhiên đến tháng 4 thì tăng đột biến lên 19 triệu đồng.
Bà Hòa cho hay: "Từ hôm phát hiện sự cố chúng tôi mới hốt hoảng để ý đến. Từ đấy nhà tôi rút kinh nghiệm, hơn chục ngày qua ngày nào chúng tôi cũng phải để ý đồng hồ, ngày nào cũng phải lật phao, bể lên để để ý".
Phía gia đình bà cũng bày tỏ việc quan điểm nghi ngờ có sự sai sót trong đồng hồ nước hiện tại và muốn được mang đi kiểm nghiệm.
Tuy nhiên, trước đề nghị của gia đình phía hợp tác xã đã đưa ra điều kiện rằng, nếu mang đi kiểm tra mà đồng hồ không hỏng như gia đình nghi thì nhà bà phải đóng đủ hơn 19 triệu đồng (không được giảm xuống còn 10.800 nghìn đồng như hiện nay).
Còn nếu đúng đồng hồ hỏng thì hợp tác xã lấy 3 tháng (tháng 1, tháng 2, tháng 3) tiền nước gần đây cộng vào chia trung bình, và bà Hòa sẽ phải đóng tiền nước theo số đó (tức là khoảng hơn 200 nghìn đồng).
Lý giải trên báo Dân Việt, Trưởng ban Kiểm soát Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất Nông nghiệp Triều Khúc cho biết, trường hợp số nước nhà ông Ứng tăng đột biến trong tháng 4/2016 là do hỏng đường ống, hỏng phao dẫn tới nước chảy ra ngoài.
Khóa vòi nước không chặt, giặt xả vô tội vạ, bể ngầm bị rò rỉ, vỡ đường ống…là những lý do có thể gây lãng phí lượng lớn nước.
Để tránh "há hốc mồm" khi nhận hóa đơn tiền nước trong mùa hè, bạn hãy thường xuyên kiểm tra hệ thống vòi nước, đường ống, bể ngầm của gia đình.
Nếu có bất thường hãy báo ngay tới đơn vị cung cấp nước để được giải quyết kịp thời nhất.