Gia tăng bệnh nhân bị hỏng thận
Bệnh nhân Vũ Cao Hà (45 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) vào viện khám vì đi tiểu ít. Anh Hà cho biết anh không có dấu hiệu muốn đi tiểu dù uống nhiều nước nhưng một ngày đi tiểu với lượng tiểu rất ít. Mỗi lần đi tiểu lượng nước cũng ít.
Anh Hà đi khám bác sĩ cho biết anh bị bệnh thận mãn tính ở giai đoạn 2 chưa chuyển sang suy thận. Trường hợp của anh Hà may mắn vì bệnh chưa bước sang giai đoạn cuối dẫn đến suy thận mạn thì việc điều trị còn khó hơn rất nhiều.
Nguyên nhân của bệnh được bác sĩ chỉ ra đó là anh Hà bị sỏi thận. Cách đây 3 năm, anh đã phẫu thuật lấy sỏi có ứ mủ và anh nghĩ bệnh đã điều trị nhưng biến chứng của sỏi gây viêm thận, bể thận.
Cùng trường hợp với anh Hà, bà Nguyễn Thị Y. (64 tuổi, Hà Nam) bị đái tháo đường tuýp 2. Gần đây, bà Y. có dấu hiệu đi tiểu nhiều lần, cảm giác buồn tiểu suốt ngày kèm theo phù vùng mắt cá chân và mắt. Bà Y. đi kiểm tra bác sĩ chẩn đoán bà bị bệnh thận và phải nhập viện điều trị để tránh nguy cơ bệnh thận tiến triển.
Tuy nhiên, trường hợp của bà Y. bác sĩ cũng cho biết bà có nguy cơ chuyển biến sang suy thận mạn tứ 3 – 5 năm tới.
Trường hợp anh Vũ Văn K. (29 tuổi, Nam Định) bị suy thận mạn. Anh K. bị viêm cầu thận 5 năm nay và đầu năm vừa rồi đi tái khám bác sĩ cho biết thận của anh đã không thể phục hồi và phải chạy thận nhân tạo. Anh K. vừa điều trị mỡ máu vừa duy trì sự sống bằng lọc máu để có thể tiến hành ghép thận trong thời gian sớm nhất.
Theo PGS Đỗ Gia Tuyển, Trưởng khoa Thận tiết niệu Bệnh viện Bạch Mai, bệnh thận mạn tính đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Ước tính mỗi ngày có khoảng 20 bệnh nhân bị suy thận từ bệnh thận mạn tính trước đó.
PGS Tuyển thông tin một báo cáo của Mỹ mới đây cho thấy có 16,8% người trưởng thành (từ 20 tuổi trở lên) mắc bệnh thận mạn, hơn 500,000 bệnh nhân điều trị thận suy bằng lọc máu và ghép thận. Tỉ lệ hiện hành của bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối ở Mỹ đang tăng lên, trong khi tỉ lệ mắc mới khá ổn định. Điều đó cho thấy lượng bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối tăng lên.
Ở Việt Nam, PGS Tuyển cho biết hiện chưa có nghiên cứu trên toàn quốc. Tuy nhiên nghiên cứu theo từng vùng địa lý cho thấy tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn ngày càng tăng cao.
Nguyên nhân của bệnh thận mãn tính và suy thận chủ yếu do các bệnh lý viêm cầu thận, đái tháo đường, tăng huyết áp. Ngoài ra, một số bệnh nhân bị các bệnh lý hệ thống như lupus ban đỏ, thận đa nang, bệnh đường tiết niệu, những người sử dụng thuốc giảm đau nhiều, một số trường hợp không rõ nguyên nhân.
Trong khi đó, tỷ lệ bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp ở nước ta đang ngày càng tăng cao. Theo thống kê của Hội tim mạch học Việt Nam, có tới 25% dân số trên tuổi 25 mắc bệnh tăng huyết áp. Bệnh đái tháo đường cả nước có khoảng hơn 3 triệu người mắc và trong cộng đồng còn khoảng 50 % số bệnh nhân đái tháo đường chưa được phát hiện. Điều này cũng là yếu tố tăng các bệnh nhân mắc bệnh thận lên.
Chú ý số lần đi tiểu
Dấu hiệu cảnh báo bệnh thận đó là đau quặn vùng lưng, phù chân, mắt cá chân, mắt. Ngoài ra, dấu hiệu mà nhiều bệnh nhân dễ nhận thấy đó là nước tiểu. Qua số lần đi tiểu và nước tiểu có thể cảnh báo thận có hỏng hay không.
Dấu hiệu tiểu ít, vô niệu. Một ngày người bệnh đi tiểu ít, nước tiểu dưới 500 ml/24 giờ hoặc dưới 0.4 ml/giờ
Người bệnh bị vô niệu, trong trường hợp thận không sản xuất nước tiểu do mất chức năng. Vô niệu hoàn toàn khi một ngày không tiểu được một giọt nước tiểu nào, siêu âm hoặc thông bàng quang không thấy nước tiểu. Trong khám chữa bệnh (vô niệu lâm sàng) khi lượng nước tiểu dưới 100ml/24 giờ thì phải coi là vô niệu hoàn toàn.
Dấu hiệu đi tiểu nhiều: Bình thường lượng nước tiểu khoảng 1.2 – 1.5 lít / ngày. Có thể nhiều hơn phụ thuộc lượng nước ăn, uống vào.Nếu lượng nước tiểu trên 2.5 lít / ngày, thậm chí 4-6 lít/ngày hoặc 10 lít/ngày đó là dấu hiệu cảnh báo bệnh thận.
Dấu hiệu đi tiểu ra máu là sự xuất hiện hồng cầu trong nước tiểu. Đái máu đại thể là có thể nhìn thấy máu trong nước tiểu, khi đó số lượng hồng cầu trên 300.000 hồng cầu /ml.