Sáng 12/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng PCCC. Hội nghị kết nối trực tuyến tới tất cả các địa phương trên cả nước.
Phát biểu từ đầu cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay, từ ngày 1/8/2017 đến nay, TP.HCM đã xảy ra gần 3.500 vụ việc liên quan đến cháy, nổ và sự cố, tai nạn. 8 tháng đầu năm 2022, TP.HCM có 122 vụ, trong đó có 4 vụ lớn, 4 vụ nghiêm trọng, làm chết 2 người, bị thương 12 người.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng có 3 kiến nghị với Thủ tướng và Trung ương. Trong đó cần hoàn thiện thể chế, các quy định về trách nhiệm chủ trì, phối hợp và trách nhiệm, các hình thức chế tài của các bên liên quan; các quy định, quy chuẩn và khắc phục những điểm chồng chéo.
"Vừa qua, TP.HCM có quy định thợ hành nghề hàn phải được tập huấn, những gì cần thiết chúng ta phải thực hiện. Chúng ta cần có cơ chế phối hợp lực lượng hoạt động PCCC CNCH cho vùng trọng điểm Kinh tế phía Nam, hằng năm cần có diễn tập trong khu vực", ông Mãi nói.
Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư để tăng tính cơ động và hiệu quả phòng cháy chữa cháy trên địa bàn, kể cả trang bị trực thăng chữa cháy, tàu chữa cháy trên sông hoặc robot, người máy tham gia chữa cháy, tăng cường thêm xe, thang và các phương tiện cứu hộ cứu nạn khác.
"TP.HCM cũng thống nhất đề nghị xem xét, bổ sung công việc phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ vào danh mục nghề độc hại nguy hiểm để chúng ta có chính sách xứng đáng", ông Mãi nói.
Chủ tịch TP.HCM kiến nghị sắp tới TP.HCM sẽ tách đội cứu hộ cứu nạn khỏi phòng cháy chữa cháy, và mong Bộ Công an sẽ hướng dẫn, hỗ trợ.
Về nguyên nhân các vụ cháy, ông Mãi cho rằng nhà ở của người dân gắn với các điều kiện an toàn điện cần phải có giải pháp xử lý. Nơi ở của người dân phải tiếp cận với các giải pháp PCCC khi có tình huống xảy ra. Hiện nay có rất nhiều nơi không đảm bảo, người dân hay làm lồng sắt ở các chung cư....