Suýt mất thận vì sỏi
Anh Nguyễn Quang M. (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vừa được các bác sĩ ngoại khoa của Bệnh viện Nông Nghiệp (Hà Nội) phẫu thuật lấy viên sỏi san hô to như củ gừng. Anh M. cho biết mấy tháng nay anh thường đau lưng, tiểu rắt, tiểu buốt nhưng nghĩ viêm tiết niệu và anh tự mua thuốc về uống.
Uống thuốc nam một thời gian dài cũng không đỡ. Anh đi khám bác sĩ cho biết có sỏi thận. Anh M. mua thuốc nam để thải sỏi thận theo quảng cáo trên ti vi. Tuy nhiên, tình trạng đau lưng nặng vùng mạng sườn ngày càng gia tăng nên anh M. mới đến bệnh viện khám.
Khi khám, bác sĩ chẩn đoán anh M. bị ứ nước thận phải độ III do sỏi san hô lớn thận phải, sỏi thận 2 bên. Các bác sĩ đã nhanh chóng chỉ định can thiệp ngoại khoa phẫu thuật lấy sỏi san hô thận phải.
Bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra một khối sỏi san hô kích thước 11 x 7cm xù xì lớn hình củ gừng nặng 135g.
Trường hợp của chị Vũ Thị Hào (46 tuổi, Chí Linh, Hải Dương) cũng bị thận ứ mủ do sỏi thận. Chị Hào bị sỏi thận từ 3 năm trước nhưng về nhà uống thuốc lá trị sỏi thận. Kết quả, 2 tháng gần đây chị Hào thường xuyên đau lưng, đi tiểu buốt.
Bệnh nhân đã được các bác sĩ phát hiện thận ứ mủ phải dẫn lưu thoát mủ sau đó mới phẫu thuật. Nếu không điều trị kịp thời nguy cơ phải cắt bỏ thận rất lớn do sỏi thận sang thương rộng vào bể thận gây ứ nước bể thận kèm theo dịch mủ.
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Cừ, Bệnh viện đa khoa An Việt, sỏi tiết niệu là bệnh lý rất phổ biến. Bác sĩ Cừ cho biết bệnh nhân bị sỏi thận thường chủ quan và đến khi bệnh nặng mới vào viện.
Những năm gần đây các bác sĩ gặp với tần xuất bệnh nhân sỏi thận bị tái phát cao. Các nghiên cứu chỉ ra rằng Việt Nam là nước nằm trong vành đai sỏi trên thế giới, có nhiều bệnh nhân bị sỏi tiết niệu và hay gặp ở tuổi từ 30 đến 60 tuổi.
Hiện nay, nếu bệnh nhân phát hiện sỏi thận sớm thì khoảng 80% bệnh sỏi tiết niệu được chữa khỏi hoặc kiểm soát được bằng điều trị nội khoa. Phần còn lại cần phải can thiệp ngoại khoa đặc biệt để lâu gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho thận thậm chí có thể phải cắt bỏ thận.
Dấu hiệu của sỏi thận
Việc phát hiện và điều trị sỏi thận rất quan trọng. Bác sĩ Cừ cho rằng người dân không nên chủ quan với bệnh lý sỏi thận mà khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ có thể sỏi thận cần nhanh chóng được kiểm tra sức khỏe và điều trị.
Triệu chứng điển hình của sỏi thận là đau ở vùng thắt lưng. Đau có thể âm ỉ kéo dào hoặc có trường hợp đau đột ngột dữ dội. Cơn đau có thể lan ra phía trước và xuống vùng bẹn sinh dục, cơn đau kéo dài vài phút, có thể tự hết hoặc cần sự hỗ trợ của thuốc.
Ngoài triệu chứng đau, những bất thường khi đi tiểu tiện như triệu chứng tiểu rắt, tiểu buốt, tiểu khó, bí tiểu hoàn toàn, nước tiểu đục, nước tiểu có màu máu cần nhanh chóng vào bệnh viện kiểm tra để sàng lọc sỏi thận.
Bác sĩ Cừ cho biết có thể bệnh nhân bị kèm theo dấu hiệu sốt do nhiễm trùng đường tiểu, bể thận.
Khi bị sỏi thận, gây ra nhiều biến chứng đặc biệt sỏi di chuyển gây bít tắc đường tiểu, gây viêm bể thận có thể ảnh hưởng tới chức năng thận của bệnh nhân có thể bị suy giảm, khiến bệnh nhân bị suy thận cấp hoặc mạn tính.
Bác sĩ Cừ khuyến cáo cần bỏ qua thói quen xấu có thể tạo sỏi như ăn mặn, uống ít nước, việc tự kê đơn, sử dụng thuốc bừa bãi không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ có thể dẫn tới bệnh sỏi thận.
Ngoài ra, thói quen nhịn tiểu thường xuyên khiến các chất khoáng không được đào thải mà dẫn đến sự lắng đọng gây ra sỏi thận.
Để phòng bệnh sỏi thận, nên uống đủ lượng nước trong 1 ngày (2-3 lít nước/ngày), nước chanh là 1 sự lựa chọn tốt vì có thể giúp phòng ngừa sỏi axit uric cũng như oxalat canxi. Hạn chế các sản phẩm làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận như soda, trà đá, dâu tây, các loại hạt, cà phê…